Tết Nguyên đán là một mốc thời gian mà bao người mong đợi. Đó không chỉ là khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới mà còn là dịp sum họp gia đình sau một thời gian dài xa cách. Mỗi vùng miền đều có một phong tục đón Tết khác nhau, và Tết Nam bộ cũng là một nét đặc trưng mà vùng đất phương nam góp phần hòa vào bức tranh mùa xuân của đất nước.
Cùng Đất sen hồng điểm qua những nét khác biệt chính trong cái Tết của người dân phía nam để thêm hiểu và thêm thương cái bình dị mà tinh túy trong phong tục đón Tết của người dân nơi này.
Chợ Tết Nam bộ
Với nét đặc trưng riêng về mặt địa hình và khí hậu, chợ Tết Nam bộ mang tới cho người ta một quang cảnh hoàn toàn khác so với Tết miền Bắc hay miền Trung.
Với cái không khí se se lạnh của tiết xuân phía Nam, bạn sẽ không bắt gặp những chiếc áo ấm hay khăn len quá dày như ở các miền khác. Với những ai có sức khoẻ tốt, họ chỉ ăn mặc như thường ngày. Các bà, các chị hay các em thiếu nhi thì có thêm áo khoác hay bao tay, vớ chân nữa là được.
Về không gian chợ, bên cạnh việc đi chợ Tết trên đất liền, người ta có thể hòa mình vào một không gian chợ nổi trên sông. Với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt kết hợp với lối sống dựa vào sông nước thì con sông như đã gắn vào máu thịt tự bao đời. Có thể nói, chỉ riêng cái Tết Nam bộ, người ta mới có dịp mãn nhãn với cảnh mua bán trên sông.
Ở chợ Tết Nam bộ, bạn sẽ bắt gặp một sắc hoa rất đỗi bình dị nhưng vẫn đầy nét kiêu sa. Vỏn vẹn trên mình năm cánh vàng tươi cùng hương thơm dịu nhẹ, hoa mai là một đặc trưng không thể thiếu cho cái tết của người phương nam thêm trọn vẹn.
Người ta quan niệm, sắc vàng của hoa mai mang tới sự vinh hiển và tài lộc. Theo thuyết ngũ hành, màu vàng tượng trưng cho hành Thổ – nằm ở vị trí trung tâm – và năm cánh là đại diện cho hạnh phúc, trường thọ, may mắn, thành công và bình an. Chính vì vậy, nhà nào cũng có ít nhất một nhành mai chưng trên bàn thờ để kịp nở lúc giao thừa và một cây mai nở vàng tươi trong nhà khi Tết tới.
Dạo quanh một vòng các chợ Tết ở phương nam, bạn sẽ bắt gặp vô vàn những cây mai được bày bán. Cây to với nhiều kiểu dáng cho những người khá giả, cây nhỏ hơn cho những gia đình bình dân và cả những nhành mai cho những gia đình muốn chưng ở bàn thờ cho long trọng.
Ngày nay, với trình độ khoa học hiện đại, người ta đã lai tạo ra những giống mai có rất nhiều cánh. Đây cũng là một cách để những may mắn và phú quý đến với mọi người thêm nhiều hơn nữa trong cả một năm.
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một lễ vật thờ cúng ông bà tổ tiên không thể thiếu. Nhưng do văn hoá và phong tục tập quán của mỗi miền mà nó cũng trở nên khác nhau.
Mâm ngũ quả của người miền Bắc được bày biện theo đúng thuyết ngũ hành và đủ năm màu cơ bản ứng với các loại trái cây thường thấy như: chuối, bưởi, hồng, đào, quýt hay chuối, bưởi, ớt, quất, lê. Đôi khi, người ta cũng có thể thay thế bằng một số loại trái khác miễn sao vẫn đảm bảo đủ năm màu cơ bản đó. Thường thấy nhất là phật thủ, roi, hồng xiêm, mận tím hay măng cụt.
Cách sắp xếp thông thường là chuối xanh nằm phía dưới làm bệ đỡ cho các loại trái khác phía trên. Các loại trái xếp xen kẽ nhau cho màu sắc hoà trộn trông đẹp mắt.
Đối với miền Trung, ngũ quả lại đơn giản hơn nhiều, chủ yếu là cây nhà lá vườn nhưng vẫn phải đảm bảo tươi mới. Thông thường, người miền Trung hay bày dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung hay thanh long để thờ cúng trên mâm ngũ quả ngày Tết. Người ở đây lại không hay chưng cam và quýt vì có quan niệm “cam đành quýt đoạn”.
Mâm ngũ quả của người Nam bộ là một sự tổng hoà ước muốn của người dân về cuộc sống đủ đầy. Cầu sung vừa đủ xài hay cầu thơm vừa đủ xài chính là ý niệm xuất phát nên mâm ngũ quả ngày Tết ở Nam bộ. Mãng cầu, dừa, sung, đu đủ, xoài hay trái thơm là những loại trái cây mà người phương nam hay chọn để bày biện cho mâm ngũ quả của mình.
Trong quan niệm của mình, người phương nam lại tránh dùng trái chuối vì nó đọc đồng âm với từ chúi, trái lê vì nó gần với lê lết hay cam và quýt vì quýt làm cam chịu. Về cách chưng, những trái to sẽ được chọn là điểm tựa để những trái nhỏ hơn dựa vào.
Bên cạnh đó, cặp dưa hấu cũng là một phần không thể thiếu bên cạnh mâm ngũ quả. Chọn cặp dưa hấu tròn, to, đầy đặn với sắc đỏ tươi tượng trưng cho những điều may mắn là cách mà người phương nam hay làm.
Ngày nay, người ta còn khắc thêm các hình linh vật vào vỏ dưa hấu hay các chữ với ý nghĩa tài lộc phía trên để trang trí cho thêm đẹp và hàm chứa ước muốn của mình. Bên cạnh đó, dưa hấu ruột vàng với hàm ý may mắn và tài lộc cũng là cái mà người phương nam ngày nay hướng tới.
Gần đây, trên thị trường xuất hiện thêm trái dư để bổ sung thêm vào mâm ngũ quả của người phương nam. Không còn là vừa đủ xài nữa, giờ đây người ta đã hướng tới một cuộc sống hội nhập hơn và phát triển hơn với ước muốn dư xài.
Những món ăn ngày Tết ở phương nam
Sự khác biệt trong phong tục Tết vùng Nam bộcòn thể hiện ở các món ăn. Không chỉ là bày biện trên bàn thờ tổ tiên, các món ăn này là phần hồn thiêng liêng không thể tách rời cho ngày xuân của đất phương nam thêm trọn vẹn.
Đầu tiên phải kể đến đó chính là bánh tét đọc trại từ bánh Tết mà thành. Đòn bánh thon dài với đậu xanh, nếp và thịt ba rọi bên trong chính là thước đo phản ánh cái đủ đầy và bội thu của người dân trong suốt một năm vất vả.
Có thể bắt gặp nhiều loại bánh tét với nhiều hương vị và nhân bánh khác nhau như: bánh tét chay (không nhân), bánh tét mặn, bánh tét ngọt, bánh tét nhân thập cẩm.
Bánh tét lá cẩm là một cái tinh hoa đã được hình thành nơi đất phương Nam đầy sản vật. Màu tim tím đẹp mắt từ lá cẩm bao bọc lấy những chữ cái bên trong ghép lại chính là một niềm mong muốn của người dân gửi gắm trong dịp tết đến xuân về.
Ăn bánh tét, người ta cầu chúc cho một năm mùa màng thuận lợi, ấm no và thầm cảm ơn trời đất đã ban tặng cho con người mùa màng tươi tốt. Bánh tét còn có ý nghĩa tượng trưng là sự bao bọc, chở che, ước muốn sum vầy của ông bà cha mẹ với con cháu như cái cách bao bọc của vỏ và nhân bánh tét.
Nếu như người miền Bắc ăn bánh chưng kèm dưa hành thì người phương Nam lại chọn dưa giá để thưởng thức cùng bánh tét. Tuy cách thức có khác nhau, nhưng cũng đều là cách kết hợp vị béo ngọt của bánh cùng với cái chua thanh nơi vị giác.
Thịt kho tàu cũng là một món không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết miền Nam bộ. “Tàu” ở đây không phải là xuất phát từ Trung Quốc mà nó nghĩa là “lạt”. Thịt kho tàu chính là món thịt được kho với vị lạt nhờ kết hợp kho với khá nhiều nước dừa.
Khác với món thịt đông miền Bắc, thịt kho tàu là sự kết hợp giữa trứng (gà hoặc vịt) và thịt heo được cắt hình vuông. Đây chính là tính âm dương hài hoà mà ông bà ta gửi gắm trong món ăn. Nó cũng chính là ước muốn cho một năm được vuông tròn của người dân xứ Nam bộ.
Không nhắc tới canh khổ qua cũng là một sơ sót. Với hàm ý cái khổ trong năm cũ sẽ qua đi và những điều may mắn sẽ tới, canh khổ qua còn giúp cân bằng màu sắc âm dương trong mâm cơm Tết với màu xanh tươi mát của mình.
Bên cạnh những món ăn truyền thống kể trên, không thể không kể tới các món ăn kèm theo như dưa kiệu, lạp xưởng, bánh tráng và khô. Bên cạnh đó, mứt bí, mứt dừa, mứt khoai lang hay mứt chùm ruột… cũng là món mà trẻ con và người lớn vô cùng thích thú.
Ngày trước, bánh tráng thường là loại bánh tráng nướng phồng được làm bằng khoai mì từ những ngày trước Tết, nhưng ngày nay người ta thường mua sẵn hoặc thay bằng món bánh tráng cuốn.
Khô được chế biến từ các loại cá sẵn có trên sông ngòi phương nam. Tặng nhau khô ngày Tết hay nhâm nhi miếng khô với ly rượu đế cũng là cách mà ông bà ta mong muốn một sự khô ráo suốt quanh năm ở vùng đất vốn còn ngập lũ.
Tết Nam bộ và những nghi lễ đậm chất phương Nam
Người Nam bộ đón Tết với các lễ nghi không khác các vùng miền khác là mấy. Chỉ có một số điểm khác biệt trong quan niệm cũng như lễ vật thờ cúng.
Vào ngày 23 tháng Chạp, để đưa ông Táo đi chầu trời, người dân phương Nam chọn món chè trôi nước, kẹo thèo lèo là hai thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng.
Đây là mong muốn mọi chuyện sẽ luôn thuận lợi, trôi chảy và ông Táo lên thiên đình trình bày với Ngọc Hoàng phải nói ngon, nói ngọt để mang mong muốn của người dân tới tai Thượng Đế. Về phương tiện di chuyển, cò bay ngựa chạy chính là cái mà người xứ phương nam chọn để đưa ông Táo lên chầu trời.
Người phương nam thờ ông Táo ở hai nơi: ở gian nhà chính (gọi là Táo Phật) và dưới bếp (gọi là Táo Bếp). Đưa ông Táo đi chầu trời là đưa Táo Phật đi, còn Táo Bếp vẫn ở hạ giới lo việc bếp núc.
Về tục tảo mộ trong dịp Tết Nguyên Đán ở Nam bộ, người ta gọi là đi dẫy mả. Trước khi bắt đầu dọn dẹp phần mộ ông bà, người Nam bộ tiến hành cúng kiến sau đó mới bắt tay vào làm. Sau khi hoàn tất, người ta đặt một cục đá hay cục đất lên trên tờ giấy tiền vàng bạc để làm dấu là mộ đã được dọn xong xuôi. Nếu sau ngày 25 tháng chạp mà ngôi mộ nào chưa được dọn, người ta sẽ huy động mọi người cùng nhau dọn giúp.
Người Nam bộ cũng có tục dựng nêu ngày Tết (ở sân nhà, sân đình, chùa) và nấu chè. Dựng nêu là để xua đuổi tà ma không xâm phạm vùng đất của con người và nấu chè là mong muốn một cái Tết ngọt ngào, đầm ấm. Trên cây nêu sẽ treo một cái giỏ (đựng trầu, cau, muối, gạo) và lá bùa Tứ tung. Nêu dựng ngày 30 tháng chạp lúc chạng vạng tối, khác với miền Bắc (buổi trưa), miền Trung (buổi chiều).
Lễ vật cúng Giao thừa của người Nam bộ cũng có chút khác biệt. Theo đúng phong tục sẽ là: đầu heo luộc, gà trống luộc, xôi, chè, bánh tét, trái cây ngũ quả, hoa trang hoặc hoa vạn thọ, hoa sống đời, hai cây đèn cầy, giấy tiền vàng bạc, một trái dừa tươi và đặc biệt phải kèm thêm bắp cải thảo. Tới thời khắc Giao thừa, gia chủ sẽ đốt đèn cầy, đốt nhang và khấn.
Mùng 1 sẽ là ngày mà người phương nam cúng Tết nhà và lễ Chính đán. Người dân Nam bộ cũng có một tục cúng Tết vườn vào mùng 3 Tết. Đây là nghi lễ cúng ông chuồng bà chuồng, ông vườn bà vườn, cúng thổ thần vì đã trông coi cho vườn tược của mình quanh năm vất vả. Đó là lời cám ơn và cũng là một mong muốn cho sang năm mọi việc vẫn diễn ra hanh thông, tốt đẹp.
Người Nam bộ cũng rất coi trọng ông bà tổ tiên của những gia đình khác. Khi đi chúc tụng nhau ngày Tết, trước hết phải thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên nhà đó, sau thì mới dùng bữa với gia đình. Xứ phương Nam có lệ, hễ khách tới nhà chơi thì gia chủ sẽ dọn cơm ra thết đãi nồng hậu, cùng nhau ăn uống vui vầy.
Quan niệm dân gian trong những ngày Tết ở Nam bộ
Bất kỳ ở đâu, người dân cũng có những quan niệm dân gian vào dịp Tết. Người Nam bộ trong tiềm thức vẫn quan niệm có những hành động nên làm và không nên làm để có một cái Tết trọn vẹn và một năm sung túc.
Vào những ngày Tết, mọi người phải về nhà trước giao thừa, nếu không cả năm sẽ phải bôn ba xuôi ngược. Phải cất kỹ chổi, nếu để mất thì trộm cướp sẽ ghé thăm gia chủ cả năm. Không được để cối xay gạo trống những ngày đầu năm, nếu không mùa màng sẽ thất thu. Ngoài ra, nếu khách tới nhà vào dịp Tết, người Nam bộ luôn dọn thức ăn mời khách dùng bữa và khách không nên từ chối.
Những ngày giáp Tết, người dân phương Nam sẽ quét dọn nhà cửa sạch sẽ, đổ đầy các hũ muối và gạo. Đêm đón giao thừa, mọi người sẽ mặc sẵn quần áo mới và bỏ một ít tiền vào túi để cả năm tiền bạc đều rủng rỉnh.
Thế mới thấy, Tết Nam bộ không chỉ đơn thuần là một dịp lễ trong năm mà nó còn chứa đựng nhiều cái tâm tình gửi gắm của ông bà ta trong đó. Tuy có những nét khác biệt trong quan niệm hay lễ vật cúng thờ, nhưng tất cả đều có xuất phát chung từ những ước mong một cuộc sống đủ đầy, sung túc.
Đất sen hồng hy vọng, mỗi người con nước Việt dù có đi đâu xa xứ cũng luôn nhớ về cái Tết nguồn cội – nơi thắm đượm nghĩa tình quê hương.
Tác giả: Trầm