Khi nhắc tới chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta thường đề cập tới cuộc đời, sự nghiệp, phong cách đạo đức và những công ơn to lớn của Người với dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, hình ảnh của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – cụ thân sinh yêu nước của người – cũng là một nhân vật mà chúng ta không thể không nhắc tới. Trong bài viết lần này, Đất sen hồng sẽ mang tới cho bạn đọc những thông tin chân thực nhất về cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Qua đó, chúng ta hiểu được những cống hiến thầm lặng cho đời và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cụ tới con đường cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những cột mốc đáng nhớ trong đời cụ Nguyễn Sinh Sắc
Nguyễn Sinh Sắc (1862–1929) – cha ruột của chủ tịch Hồ Chí Minh – là con ông Nguyễn Sinh Nhậm và người vợ sau là bà Hà Thị Hy. Ông sinh tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Dòng họ ông ngày trước theo họ Nguyễn với chữ lót là Bá, sau đó tới đời ông Nguyễn Bá Dân thì đã được đổi thành Nguyễn Sinh.
Ngay từ những năm đầu đời, đã có những biến cố không may xảy ra với cậu bé Nguyễn Sinh Sắc. Năm vừa 3 tuổi chẳng may ông mồ côi cha và sang năm 4 tuổi mẹ ông cũng qua đời. Sau đó, ông chuyển về sống cùng với Nguyễn Sinh Thuyết (Nguyễn Sinh Trợ) – anh cùng cha khác mẹ của mình.
Năm 1878, Nguyễn Sinh Sắc được nhà nho Hoàng Xuân Đường thương tình nhận về dạy dỗ. Tới thời điểm này, ông đã chuyển sang sống tại làng Hoàng Trù (làng Chùa), cùng thuộc xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Nơi này cách làng Kim Liên khoảng 2km.
Sau đó, năm 1883 ông nên duyên cùng con gái đầu của cụ Hoàng Xuân Đường là Hoàng Thị Loan. Hai người dựng riêng một ngôi nhà ba gian và sinh sống tại đó. Họ có với nhau 3 con trai và 1 con gái lần lượt là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (chủ tịch Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Nhuận (tức Nguyễn Sinh Xin, mất lúc nhỏ).
Trải qua bao năm tháng miệt mài học tập và thi cử, cuối cùng năm 1894, ông thi Hương tại trường thi Nghệ An và đỗ cử nhân. Năm 1895 và 1898 ông tham dự kỳ thi hội tại Huế nhưng đều bị trượt.
Nhờ được tiến cử, ông được nhận vào học Quốc Tử Giám ở Huế và đã đổi tên thành Nguyễn Sinh Huy. Bên cạnh đó, ông cũng đưa vợ cùng Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung vào đây học tập.
Năm 1901, không may vợ ông qua đời ít lâu sau khi sinh người con trai út. Ít ngày sau khi mẹ mất, Nguyễn Sinh Nhuận cũng qua đời. Lúc này, ông đưa hai con trai về lại làng Hoàng Trù.
Tới kì thi Hội cùng năm, ông vào Huế để dự thi lần nữa. Năm 1901 – khoa thi Hội năm Tân Sửu – Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng. Vua Thành Thái đã ngự ban cho ông tấm biển đề 4 chữ “Ân tứ ninh gia” (Ơn vua ban cho gia đình tốt).
Lúc đầu, ông không ra làm quan mà mở lớp dạy học và nuôi con. Năm 1906, ông nhậm chức Thừa Biện Bộ Lễ và năm 1907 là Tri huyện Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Năm 1910, không may ông dính vào một vụ án oan với Tạ Đức Quang – một cường hào không đóng thuế. Sau vụ án, ông bị hạ bốn cấp quan và sau đó đã dâng sớ xin từ chức.
Ngày 26/2/1911, Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu vào Sài Gòn. Từ đây, cuộc đời người sĩ phu yêu nước đã bước sang một trang mới: không còn dính líu tới chốn quan trường đầy nhiễu loạn.
Trong những năm tháng sau đó, ông đi qua nhiều miền đất Nam kỳ. Năm 1917, ông tới Cao Lãnh hoạt động yêu nước và hai năm sau ông rời đi. Sau 10 năm, năm 1927, ông quay lại và dừng chân tại làng Hòa An, Cao Lãnh.
Ông đổi thành họ Vương, đi bước nữa với một người và sinh được một con trai tên là Vương Chí Nghĩa (năm 1927).
Ngày 27/11/1929 ông qua đời. Nhân dân thương tiếc một người đức độ, đã chôn cất cụ tại miếu Trời Sanh.
Những đóng góp của trí thức yêu nước Nguyễn Sinh Sắc
Khi nhắc tới cụ Nguyễn Sinh Sắc, người ta phải nhắc tới một nhà nho yêu nước với tư tưởng rất tiến bộ. Lớn lên ở buổi giao thời, khi mà chế độ phong kiến và sự xâm nhập của phương Tây đan xen nhau một cách hỗn độn, đã hình thành nên những định hướng rất hiện đại trong tư tưởng yêu nước của sĩ phu Nguyễn Sinh Sắc.
Trong suốt cuộc đời của mình, ông thường xuyên quan sát cuộc sống của nhân dân với những cảnh đói khổ, lầm than tới cùng cực. Bên cạnh đó, ông cũng suy xét những khía cạnh khác nhau của các cuộc khởi nghĩa để hình thành nên định hướng cho bước đường hoạt động yêu nước của mình.
Chốn quan trường đã định hình rõ nét một bức tranh thu nhỏ về giai cấp thống trị lúc bấy giờ trong tư tưởng của Nguyễn Sinh Sắc. Từ đó, khiến ông mạnh dạn chọn cách đi theo các cuộc cách mạng hiện đại lúc bấy giờ. Theo một nhận định, cụ là “một nhà nho yêu nước theo kiểu riêng, chống Pháp không công khai mà lặng lẽ”.
Ngay từ khi còn làm quan, ông đã kết giao với các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trương Gia Mô, Vương Thúc Quý… để bàn luận về những vấn đề dân tộc. Sau khi đặt chân tới xứ Nam kỳ, ông cũng tích cực tham gia phong trào yêu nước tại đây với tinh thần rất hăng hái. Cụ còn sang Campuchia để truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân.
Ở Cao Lãnh, được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Trần Bá Lê, ông Lê Văn Giáo cũng như tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội, cụ có điều kiện tốt nhất và an toàn nhất để tiến hành truyền bá tư tưởng yêu nước, chống giặc cho nhân dân. Các nhà yêu nước như Võ Hoành, Lê Chánh Đáng, Nguyễn Quang Diệu… là những người luôn song hành với cụ Nguyễn Sinh Sắc trong quá trình hoạt động.
Là một người có tư tưởng cấp tiến, cụ Nguyễn Sinh Sắc nhận thấy Phật giáo chính là một trong những cách có thể đưa tư tưởng yêu nước vào lòng dân hiệu quả nhất. Cụ kết giao với các cao tăng như Hòa thượng Khánh Anh, Khánh Hòa, Thiện Chiếu, Từ Văn… và tham gia chấn hưng Phật giáo. Cụ đan xen truyền bá, thuyết giảng giáo lý nhà Phật cùng tinh thần yêu nước rộng khắp cho nhân dân.
Bên cạnh tinh thần yêu nước thì thương dân luôn là nỗi lòng cả đời của cụ. Thương cảnh nhân dân đói nghèo, đi tới đâu, cụ cũng bốc thuốc chữa bệnh giúp nhân dân. Mở các lớp dạy học cũng là cách cụ khai sáng cho tầng lớp nhân dân lao động. Ngoài ra, cụ cũng giúp chùa dịch kinh và viết liễn đối cho dân chúng.
Ảnh hưởng của cụ Nguyễn Sinh Sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cụ Nguyễn Sinh Sắc là người bước đầu có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cậu thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Thừa hưởng dòng máu của cha với đầy đủ sự thông minh, lòng thương dân cùng với ý chí quật cường, Bác đã trở thành một lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam.
Trong những năm tháng tuổi thơ, Bác được học tại trường Trường tiểu học Pháp Việt và trường Quốc học Huế. Nguyễn Sinh Sắc đã tạo điều kiện cho con được tiếp cận với một môi trường mới về cả tri thức lẫn nhân sinh bên cạnh Nho học. Có thể nói, một nhà nho nhưng lại cho con học tại một ngôi trường như vậy là một bước chuyển rất đáng kể trong tư tưởng thời bấy giờ.
“Tự do – Bình đẳng – Bác ái” tại nơi đây cũng đã chớm nở trong nhận thức non nớt của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Song song đó, tư tưởng “muốn chiến thắng kẻ thù phải hiểu kẻ thù” là những gì mà cụ Phó bảng đang định hướng cho con mình. Trong thời điểm đó, ý niệm “ghét Pháp” luôn len lỏi trong tâm trí mọi người, nhưng cụ Sắc lại làm một bước ngoặt rất khác cho cậu bé Cung.
“Quan trường là nô lệ trong đám nô lệ, càng nô lệ hơn”, “trung quân không phải là ái quốc, mà ái quốc là ái dân”, “chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình” là những lời dạy rất tiến bộ của một sĩ phu thức thời. Chính những điều đó đã hình thành nên một hệ tư tưởng ban đầu rất quan trọng trong nhận thức của cậu bé Nguyễn Sinh Cung.
Trong quá trình kết giao với các nhà yêu nước, lúc nào cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng dắt cậu bé Cung theo. Đây là cách mà người cha cho con tiếp cận với những người hoạt động cách mạng thực tế, từ đó, định hình được thời cuộc và rút ra những bài học quý báu từ những người đi trước.
“Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”, “Nước mất thì lo cứu nước, con chỉ có mỗi một việc đó phải làm, cứu nước tức là hiếu với cha rồi” là một lời trách rất nhẹ nhàng và đầy ý nghĩa mà ông dành cho con. Không nghĩ tới mình, ông suốt đời chỉ hướng Bác Hồ lo cho dân cho nước.
Có thể thấy, cụ Nguyễn Sinh Sắc không chỉ dạy chữ mà dạy luôn cả lòng yêu nước cho người con thông minh từ bé mà ông vô cùng kỳ vọng sẽ giúp nước nhà giải phóng.
Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp
Để tưởng nhớ công ơn của cụ Phó bảng, tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành khởi công tôn tạo lại phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1975. Tới năm 1977, hạng mục đã hoàn thành.
Đến với số 123/1 đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, người ta sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng một quần thể di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia được công nhận năm 1992. Tại đây, sẽ có bốn khu vực chính cho du khách tham quan, bao gồm:
- Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với lăng mộ, đền thờ và nhà trưng bày.
- Khu vực nhà sàn Bác Hồ với vườn cây, ao cá.
- Khu làng Hòa An xưa với những khung cảnh tái hiện theo tỉ lệ chân thực nhất về không gian và nơi ở của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
- Khu vực vui chơi giải trí với các trò chơi hấp dẫn và độc đáo.
Lễ giỗ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hằng năm diễn ra từ 24-27/10 âm lịch (theo ngày mất âm lịch của cụ là 27/10). Đây là lễ hội cấp tỉnh của Đồng Tháp với những ý nghĩa to lớn về một người có công ơn với dân ta nói chung và Đồng Tháp nói riêng.
Qua những hành trình gian truân của cụ Phó bảngNguyễn Sinh Sắc, chúng ta thấy được những thăng trầm trong cuộc đời của một con người mà ý chí và trái tim luôn hướng về đồng bào ruột thịt. Không chỉ hy sinh lặng lẽ cho sự nghiệp cách mạng, cụ còn là động lực lớn lao thúc đẩy một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ, sánh vai với năm châu bốn biển. Thắp nén hương trầm, chúng ta luôn luôn biết ơn những vị anh hùng mà suốt cuộc đời chỉ mang nặng trong lòng hai tiếng: quê hương.
Tác giả: Trầm