Mỗi khi nhắc đến Đồng Tháp thì hình ảnh đầu tiên mà mọi người nghĩ đến chính là những cánh đồng trải dài vô tận. Hay là những đầm sen thơm ngát nhuốm màu thôn quê. Hoặc đâu đó có thể là các khu sinh thái với vẻ đẹp hoang sơ do thiên nhiên ban tặng cho vùng đất sen hồng này. Thế nhưng, ít ai biết được rằng nơi đây còn nổi tiếng với khu nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – địa danh chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử dành cho những ai đam mê khám phá.
Đặc biệt, điều khiến người ta thích thú nhất khi đến nhà cổ chính là được nghe lại câu chuyện tình lãng mạn mà trái ngang của Huỳnh Thủy Lê và nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras.
1. Sơ lược về nhà cổ
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được xây dựng từ năm 1895 trên nền diện tích 258m2 nằm ở ven sông Sa Đéc. Hiện nay là số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc. Chủ nhân của ngôi nhà chính là ông Huỳnh Cẩm Thuận – một thương gia giàu có người Phúc Kiến (Trung Quốc).
Ban đầu, nơi đây được xây dựng theo kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ. Vật liệu chính là gỗ quý và mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương. Đến năm 1917, sau khi được trùng tu lại ngôi nhà đã khoác lên mình một vẻ đẹp hài hòa giữa hai lối kiến trúc Đông – Tây. Nét phương Đông được thể hiện rõ nhất qua phong cách bày trí bên trong ngôi nhà. Điển hình là cánh cửa và cột nhà đều sơn son thếp vàng, hay là vị trí của bàn thờ Quan Công được ngay giữa gian chính.
Còn phần bên ngoài nhà cổ lại mang phong cách đặc trưng của những căn biệt thự nước Pháp. Vòm cửa thiết kế cong theo kiến trúc La Mã và hệ thống cột với hoa văn thêm phù điêu hoa lá.
Người thừa kế ngôi nhà này chính là con trai út của ông Huỳnh Cẩm Thuận – tên là Huỳnh Thủy Lê. Ở thời điểm hiện tại, nhà cổ được Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp bảo quản và phát triển thành địa điểm du lịch tham quan.
2. Huỳnh Thủy Lê và mối tình “sét đánh” trên phà
Có không ít người thắc mắc rằng chủ nhân của ngôi nhà cổ là ông Huỳnh Cẩm Thuận thế nhưng ai cũng gọi đó là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính câu chuyện tình đầy tiếc nuối của chàng công tử họ Huỳnh với cô gái người ngoại quốc.
Duyên gặp gỡ trên chuyến phà định mệnh
Sinh ra trong một gia đình giàu có, Huỳnh Thủy Lê được gia đình tạo điều kiện cho sang Pháp du học. Sau nhiều năm học tập ở Paris, Huỳnh Thủy Lê trở về và phụ giúp cha trong việc buôn bán. Như một sự sắp đặt của duyên số, vào năm 1929 Huỳnh Thủy Lê đã tình cờ gặp được Marguerite Duras. Cô gái Pháp khi ấy mới 15 tuổi rưỡi, được mẹ đưa ra bến xe đò liên tỉnh tại Sa Đéc để trở về Sài Gòn. Khi xuống phà vượt qua dòng Cửu Long, nàng thiếu nữ đã một mình bước đến cạnh lan can để ngắm cảnh.
Và giữa không gian mênh mông, rộng lớn của vùng sông nước, M.Duras đã nhìn thấy một chiếc Limousine màu đen sang trọng. Thế rồi chẳng biết sợi dây vô hình nào đã đưa họ đến gần nhau. Trên chiếc xe đẳng cấp chỉ dành cho người giàu ấy, chàng thiếu gia 32 tuổi đã thực sự rung động với nét đẹp mong manh, trong sáng của cô gái đang tuổi trăng tròn. Ông sử dụng vốn tiếng Pháp đã học được để trò chuyện cùng M.Duras.
Sự xa cách của hai người dần được thu hẹp lại khi Huỳnh Thủy Lê nói rằng ông có biết bà Marie Donnadieu – hiệu trưởng trường nữ tiểu học Sa Đéc và cũng chính là mẹ của M.Duras. Ngay sau đó, M.Duras đã nhận lời mời ngồi chung xe với Huỳnh Thủy Lê để cùng trở về Sài Gòn. Điều mà chẳng ai ngờ được rằng là khoảng thời gian ngắn ngủi trên chuyến phà ấy đã trở thành cuộc gặp định mệnh. Để rồi hai người xa lạ từ đó đã cùng nhau bắt đầu một mối lương duyên thật đẹp.
Chia ly
Hai người trở về Sài Gòn và cho đến ngày thứ năm kể từ khi gặp nhau, M. Duras đã chính thức nhận được lời tỏ tình của chàng trai hào hoa, phong nhã đó. M.Duras không đồng ý, cũng không từ chối. Thế nhưng có lẽ sự im lặng ấy đã trở thành tín hiệu để Huỳnh Thủy Lê bạo dạn tiến thêm một bước với nàng thiếu nữ ngây thơ, trong trắng. Những ngày sau đó, hai người cứ thế sống chung với nhau tại Sài Gòn trong dư vị ngọt ngào của tình yêu đôi lứa.
Cho đến khi tình cảm trở nên sâu đậm hơn, Huỳnh Thủy Lê đã về thưa với gia đình để xin cưới M.Duras làm vợ. Thế nhưng, xót xa thay khi những quan điểm và hủ tục lúc bấy giờ đã trở thành rào cản tách rời hai trái tim đang yêu thương cháy bỏng. Nhà họ Huỳnh, mà đặc biệt là ông Huỳnh Cẩm Thuận không thể chấp nhận đón một cô gái người ngoại quốc về làm con dâu.
Những khác biệt trong văn hóa Đông – Tây và cả sự chênh lệch giàu nghèo đã được mang ra làm lý do để Huỳnh gia phản đối gay gắt cuộc hôn nhân này. Hơn nữa, quan điểm lúc bấy giờ hoàn toàn không thể chấp nhận việc một cô gái sống chung với con trai họ trước khi cưới.
Trước thái độ kiên quyết đó, Huỳnh Thủy Lê đã quỳ lạy xin cha cho mình được kết hôn với người con gái mà ông yêu thương mãnh liệt nhất. Thế nhưng, mối tình vừa chớm nở có lãng mạn và nồng cháy đến đâu cũng không thể vượt qua được sự ngăn cản dữ dội từ phía gia đình. Cuối cùng, chàng thiếu gia ấy đành phải chấp nhận từ bỏ tình cảm với M.Duras để cưới một cô gái người Hoa. Đó là cô gái môn đăng hộ đối theo sự sắp đặt từ 10 năm trước của cha mình.
Quá đau khổ với mối tình đầu dang dở, M.Duras ngậm ngùi trở về Pháp. Điều đó cũng đã đặt dấu chấm hết cho 18 tháng ngọt ngào với công tử nhà họ Huỳnh. Chuyến tàu của hãng Messageries đã mang M.Duras rời đi và chiếc xe Limousine màu đen cũng âm thầm đến tiễn biệt. Từ phía mạn tàu, nàng thấy thấp thoáng phía xa xa là người tài xế mặc áo trắng và người tình Trung Hoa của mình đang ngồi ở phía sau.
Một người không nỡ rời đi, còn một người ở lại trong tiếc nuối, thế nhưng chuyến tàu cũng chẳng vì thế mà dừng lại. Những ngày M.Duras đang lênh đênh trên biển để trở về quê hương cũng là lúc mà Huỳnh Thủy Lê trở về và tổ chức đám cưới với cô dâu Nguyễn Thị Mỹ.
Hồi kết
Rồi mọi thứ cũng dần trôi qua, chuyện tình của chàng trai nhà quyền quý với cô nữ sinh xinh đẹp người Pháp dần trở thành ký ức. Huỳnh Thủy Lê lấy vợ và sinh được 5 người con, sống trong cảnh giàu sang, sung túc. Người ta cứ ngỡ rằng thời gian sẽ khiến chàng trai và cô gái năm ấy dần quên đi mối tình xưa cũ. Thế nhưng, nhiều năm sau đó khi Huỳnh Thủy Lê có dịp sang Pháp cùng vợ, ông đã bất ngờ gọi điện cho M.Duras. Mong muốn của ông là được gặp mặt cho thỏa nỗi niềm nhớ nhung suốt mấy chục năm xa cách.
M.Duras khi ấy cũng đã trải qua vài đời chồng và cũng là vài lần ly dị. Bà kiên quyết chối từ việc gặp lại người tình năm xưa. Điều đó có lẽ phần nào khiến cho ông Lê không khỏi chạnh lòng. Giọng ông run lên: “Marguerite! Dù thế nào suốt đời này tôi vẫn mãi yêu em, không ngừng yêu em, yêu em cho đến khi tôi nhắm mắt”.
Và thực không ngờ rằng đó cũng chính là lần cuối cùng trong cuộc đời M.Duras được nghe giọng nói của Huỳnh Thủy Lê. Bởi sau đó, khi bà có ý định quay trở lại Sa Đéc thì nhận được tin chàng trai mà bà dành trọn cả thanh xuân để yêu tha thiết đã qua đời. Tiếc nuối và ân hận, thế nhưng tất cả cũng chỉ có thể nằm lại trong ký ức cùng với những hoài niệm về một thời xưa cũ.
3. “Người tình” – bộ phim chân thực về chuyện tình dang dở của Huỳnh Thủy Lê và cô gái Pháp
Sau khi Huỳnh Thủy Lê qua đời, M.Duras mang hết tất cả những yêu thương và sự tiếc nuối gửi vào cuốn tiểu thuyết L’Amant. Bằng trái tim tưởng như đã nguội lạnh, nữ nhà văn Pháp từ từ kể lại câu chuyện tình hơn 50 mươi năm trước của chính mình để viết nên một thiên tình sử nổi tiếng. Thế nhưng, tác giả M.Duras tuyệt đối không tiết lộ tên người tình Trung Hoa. Mãi cho đến sau này khi cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim, bà mới thú nhận mình là nữ chính trong cuốn tự truyện ấy.
Năm 1984, tiểu thuyết L’Amant được xuất bản và gây tiếng vang lớn, tạo nên tên tuổi cho nữ nhà văn M.Duras. Tác phẩm được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và xuất sắc đoạt được giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp).
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ M. Duras, năm 1992 đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã chính thức cho ra mắt bộ phim Người tình (L’amant). Hai nhân vật chính trong phim không được đặt tên mà chỉ gọi là “Cô gái trẻ” và “Người đàn ông Trung Hoa”. “Người
tình” quả thực là một tác phẩm “bom tấn” khi thu hút được 3 triệu lượt xem ngay sau khi phát hành tại Pháp.
Bộ phim cũng chính là bước đệm để đưa tên tuổi của hai diễn viên chính là Jane March và Lương Gia Huy đến gần hơn với khán giả và dần trở thành “hiện tượng” của lịch sử điện ảnh thế giới.
Phân cảnh mở đầu cho bộ phim là trên một chuyến phà qua sông Mê Kông. Một cô gái Pháp (Jane March thủ vai) đang tựa người vào lan can, chân hơi nhấc lên để gió thổi tung bay vạt áo. Đây cũng chính là những dòng tự thuật đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết của M.Duras. Và rồi sau đó, “Người tình” đã diễn tả một cách chân thực nhất cái gọi là tình yêu khi bắt đầu, khi chia ly và khi kết thúc.
Trong khoảng thời gian gần 2 tiếng, mạch cảm xúc của bộ phim đều bám sát diễn biến câu chuyện tình có thật của Huỳnh Thủy Lê và M.Duras. Mặc dù sau khi phát hành, có không ít ý kiến trái chiều cho rằng đạo diễn đã tập trung quá nhiều vào những “cảnh nóng” của hai nhân vật chính. Thế nhưng rõ ràng là càng lùm xùm thì lại càng được nhiều người nhắc đến. Và hiện nay “Người tình” thường được mọi người nói đến là một trong những bộ phim có “cảnh nóng” táo bạo nhất trong lịch sử điện ảnh.
Đây là một bộ phim nước ngoài nhưng lại đậm chất Việt Nam. Những không gian như Chợ Lớn, bến Nhà Rồng, sông Mê Kông, trường THPT Lê Hồng Phong,… đều được tái hiện qua những thước phim chân thực và tuyệt đẹp đến nao lòng. Chính điều đó đã mang đến cho người xem cảm nhận rõ nhất về một Đông Dương lộn xộn nhưng gợi cảm, một Sài Gòn hoa lệ, ồn ào và cả khung cảnh sông nước nên thơ của Việt Nam trong những năm 1930.
Qua nhiều năm, ngôi nhà cổ nhuốm màu thời gian đã trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn của Đồng Tháp. Bằng lối kiến trúc Á – Âu độc đáo, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê luôn níu chân được những du khách có niềm đam mê với nét đẹp xưa cũ. Và dù rằng không phải là bối cảnh diễn ra câu chuyện của hai nhân vật chính, thế nhưng người ta vẫn muốn đến đây để hoài niệm về mối tình đầy tiếc nuối.
Tác giả: Thư Thư