Sa Đéc (Đồng Tháp) có rất nhiều nơi để bạn ghé thăm: từ làng hoa nổi tiếng xa gần với hàng trăm giống hoa khoe sắc tới những quán ăn mang đậm hương vị khó quên. Đan xen vào đó là những địa điểm du lịch níu chân du khách bởi những nét đặc trưng không nơi nào có được. Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê sẽ là địa điểm mà chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả ngày hôm nay.
Mang trên mình dấu ấn thời gian cùng những u hoài của mối tình dang dở, nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê vẫn luôn nằm trong danh sách những địa điểm mà bất kỳ ai đến với miền đất sen hồng cũng nên một lần ghé qua. Không chỉ để chiêm ngưỡng một ngôi nhà cổ kính, ở đó, đôi khi người ta lại thấy nhói lòng khi bất chợt nghĩ về một tình yêu cách trở!
Con đường nhanh nhất để tới nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê
Bạn sẽ bắt gặp ở số 255A đường Nguyễn Huệ, phường 2, Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp một ngôi nhà rất nổi tiếng. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm ở trung tâm Thành phố Sa Đéc, cách Thành phố Cần Thơ khoảng 50km và cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150km.
Với vị trí khá thuận lợi, có thể dễ dàng di chuyển tới đây mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Đi trên quốc lộ 1A tới cầu Bắc Mỹ Thuận, sau đó di chuyển sang hướng quốc lộ 80 và chạy tầm 5km nữa là tới địa điểm mà du khách cần khám phá.
Những cột mốc đáng nhớ gắn liền với nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê
Vào năm 1895, một thương nhân giàu có gốc Hoa tên là Huỳnh Cẩm Thuận đã khởi công xây dựng một căn nhà mang đậm phong cách Tây Nam Bộ. Năm 1917, gia chủ đã tiến hành trùng tu lại toàn bộ ngôi nhà theo một phong cách có một không hai: kết hợp kiến trúc Đông – Tây, Âu – Á.
Sau đó, con trai ông là Huỳnh Thủy Lê đã tiếp quản ngôi nhà. Trải qua nhiều giai đoạn, các con ông Huỳnh Thủy Lê sau đó ra nước ngoài sinh sống và ngôi nhà được chính quyền địa phương sử dụng làm trụ sở Đội Cảnh sát Kinh tế Công an thị xã Sa Đéc. Hiện nay, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đang được quản lý bởi Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp.
Năm 2007 là năm đầu tiên chính quyền Đồng Tháp chính thức mở cửa nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để bắt đầu phục vụ du lịch.
Năm 2008, ngôi nhà được công nhận là di tích cấp tỉnh. Sang năm 2009, nó đã chuyển mình ngoạn mục với danh hiệu di tích cấp quốc gia. Năm 2013, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được Hiệp hội Unesco Việt Nam bầu chọn nằm trong “100 điểm đến ấn tượng Nhất của Việt Nam”.
Nét thu hút khó cưỡng của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Kiến trúc giao thoa
Du khách sẽ ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi sự pha trộn giữa nét kiến trúc Đông – Tây trong cùng một ngôi nhà ngay giữa lòng Nam Bộ. Đây là một điểm nhấn mà khó ngôi nhà nào có được.
Trong lần đầu xây dựng, nét chủ đạo chính của ngôi nhà với tổng diện tích 258m2 này phảng phất rõ kiểu ba gian truyền thống lúc bấy giờ: gian giữa dùng để thờ cúng, hai bên có hai phòng ngủ và thông ra nhà sau. Bên cạnh đó, kiểu ngói lợp âm dương trong tư tưởng truyền thống của người Việt thời điểm đó cũng được ông Huỳnh Cẩm Thuận áp dụng.
Mái nhà được thiết kế theo kiểu hình thuyền cong vút cùng vật liệu xây dựng là các thân gỗ quý chính là cái mà người ta nhìn thấy ở một ông thương gia giàu có lúc bấy giờ. Trên mái nhà, hình tượng lưỡng long tranh châu (cũng là hình tượng trong văn hoá nước ta) xuất hiện một cách hài hoà.
Sau đó, ngôi nhà được trùng tu lại và đã pha trộn thêm nét phương Tây vào trong kiến trúc sẵn có. Có thể nói, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một sự pha trộn độc đáo không chỉ gây thích thú vào thời điểm bấy giờ mà ngay cả tới ngày nay, nó vẫn còn mang cho người chiêm ngưỡng một cảm giác mãn nhãn khi khám phá.
Khi bước vào, điều đầu tiên ấn tượng thị giác của bạn là ngôi nhà mang tới cảm giác như lạc giữa La Mã thời kì phục hưng với những cổng vòm cong vút và cột trụ to màu trắng tinh khôi chạm khắc hoa văn của thế kỷ 17. Trên trần nhà, trên các khung cửa sổ cũng mang tới một nét phương Tây rõ nét khi nhìn vào. Toàn bộ phần vách gỗ được thay thế bởi gạch, các cột gỗ trong nhà cũng được xây gạch bao bên ngoài.
Khi bước vào bên trong, một không gian đậm chất Nam Bộ lại hiện lên với kiểu cấu trúc ba gian rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi. Ngước nhìn lên hoa văn trên các bao lam và một số chi tiết bày biện trong nhà, nét kiến trúc Trung Hoa lại mang tới một cảm giác tinh diệu khó tả.
Cách bày trí và các chi tiết nổi bật
Bên cạnh lối kiến trúc độc đáo của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng những nét đặc sắc khác trong nhà. Khi chú ý kĩ, du khách sẽ thấy gian giữa của ngôi nhà có phần nền bị trũng xuống. Đây là cách xây dựng dựa trên yếu tố phong thuỷ với quan niệm “tiền tài sẽ tụ về nơi trũng” của gia chủ.
Gian giữa là nơi thờ tự với bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Quan Công. Theo quan niệm của người Hoa, Quan Công là thánh phù hộ cho người làm ăn kinh doanh, thế nên việc bày trí long trọng Quan Công ở nơi thờ tự trong một ngôi nhà của người gốc Hoa cũng không có gì khó hiểu.
Về bao lam, khi quan sát sẽ nhận ra ngay bao lam ở giữa chạm trổ hình Loan Phụng mang hàm ý “Loan Phụng hòa minh sắc cầm thỏa hiệp”. Các bao lam khác cũng được sơn son thếp vàng và chạm trổ cầu kỳ nhưng hoạ tiết là hoa, lá, “long, lân, bức, phụng” mà không phải là “long, lân, quy, phụng”. Trong quan niệm của người buôn bán, quy rất chậm rãi còn bức (con dơi) thì lại may mắn nên hình tượng con dơi đã xuất hiện trong các chi tiết điêu khắc của ngôi nhà.
Một điểm khá nổi bật của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là “khung cửa ngủ trưa” theo cách gọi hóm hỉnh của mọi người. Thay vì đóng cửa chính lại, người ta đã thiết kế một khung cửa có thể kéo ngang nhưng vẫn cho phép gió và ánh sáng lọt vào. Vào buổi trưa, không cần đóng cửa nhưng cũng sẽ không bị ai làm phiền giấc ngủ.
Gạch lát nền trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cũng có nguồn gốc từ Pháp đưa sang. Các loại kính được sử dụng trong xây dựng cũng có nguồn gốc tương tự. Một sạp gỗ lớn, tủ đựng chén bát ngày xưa, đồng hồ treo tường, bộ ấm, bình, đèn, máy hát, tivi… và một số trang thiết bị của nhà họ Huỳnh cũng được lưu giữ lại để du khách thập phương chiêm ngưỡng.
Một chuyện tình ngang trái
Trải qua nhiều đời chủ, nhưng tên tuổi của ông Huỳnh Thủy Lê vẫn gắn liền với ngôi nhà cổ này là bởi câu chuyện tình buồn khắc khoải của ông với nàng Marguerite Duras. Phải chăng lối kiến trúc Đông – Tây của ngôi nhà đã vận vào mối tình cách trở của ông? Không ai lý giải được điều đó, chỉ có thể nói rằng đó là do duyên số!
Du khách tới với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có thể vì hiếu kỳ một ngôi nhà nổi tiếng sánh ngang với hai ngôi nhà cổ khác ở miền Tây, cũng có thể tới chỉ vì chuyện tình không mấy êm đẹp mà người ta có dịp biết tới nhờ báo đài hay đã từng xem qua bộ phim “Người tình” trên màn ảnh.
Đôi khi, du khách lại bắt gặp chính hình ảnh của mình đâu đó trong câu chuyện dở dang mà không ai mong muốn. Để rồi khi đặt chân tới nơi đây, đứng im nhìn không gian tĩnh lặng, lòng người ta lại thầm nghĩ hai chữ “giá như”.
Những nguyên nhân khách quan đã khiến người trong cuộc mãi mãi chia lìa, cuối cùng chỉ còn dư âm trong câu nói “Marguerite Duras, tôi vẫn yêu em” và một kiệt tác L’Amant còn sống mãi.
Giá vé khi tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Bạn chỉ cần bỏ ra20.000VND/người là có thể mua vé cổng vào thăm ngôi nhà thú vị này. Tiền vé này đã bao gồm trà gừng và mứt gừng cho du khách thưởng thức cùng với một hướng dẫn viên kèm theo (hướng dẫn viên nói tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc tiếng Việt).
Bên cạnh đó, các bạn có thể ăn trưa với mức giá dao động từ 100.000 – 200.000VND/người tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Với những du khách muốn qua đêm tại đây, chỉ cần tiêu tốn 500.000 VND/1 người/1 phòng hoặc 550.000 VND/2 người/1 phòng là đã có ngay một không gian nghỉ ngơi thoải mái.
Khi tới nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê cần chú ý điều gì?
Giờ mở cửa tại đây là từ 7:00 – 17:00 nên các bạn chú ý thời gian để tới đúng lúc nhé. Bên cạnh đó, không nên tới đây vào các ngày lễ, Tết vì lượng khách đổ về thời điểm này là rất lớn. Khi tham quan cũng không nên chạm hay sờ vào các hiện vật tại đây để tránh hư hỏng.
Dù là du khách nước ngoài hay du khách Việt tới với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cũng sẽ có những trải nghiệm thú vị. Với không gian yên bình ở miền Tây Nam Bộ, với một câu chuyện đượm nỗi u buồn và với những bức hình tuyệt đẹp, người ta sẽ lưu giữ lại một địa điểm thú vị đã từng đi qua trong đời như cách mà Huỳnh Thủy Lê và Marguerite Duras đã lưu giữ những kí ức đẹp về nhau mãi mãi.
Tác giả: Trầm