• Blog
  • Địa Điểm
  • Giải Ngố
  • Đặc Sản
  • Cẩm Nang
  • Ẩm Thực
  • Thị Trường
  • Toplist

Đất Sen Hồng

Chợ nổi miền Tây và các quy tắc bất thành văn thú vị

29/10/2022 by Đất Sen Hồng Bình Luận: Leave a Comment

Đến với miền Tây sông nước, hãy ghé qua một vài chợ nổi ở đây để tận mắt chứng kiến cảnh mua bán tấp nập trên sông. Không chỉ là nét văn hoá đặc trưng của cư dân sông nước miệt vườn, chợ nổi còn là nơi sinh nhai của nhiều thế hệ.

Tận mắt chứng kiến nhịp sống ở chợ nổi mới thấy hết cái phần hồn trong đời sống của người vùng sông nước dù cho xã hội luôn vận vận động phát triển không ngừng. Cùng đất sen hồng khám phá những điều thú vị của chợ nổi miền Tây qua bài viết lần này nhé!

Mục Lục Bài Viết

  • Chợ nổi – nét văn hoá độc đáo của miền Tây sông nước
  • Những quy tắc bất thành văn của chợ nổi
  • Những chợ nổi nức tiếng của miền Tây
    • Chợ nổi Cái Răng
    • Chợ nổi Trà Ôn
    • Chợ nổi Cái Bè
    • Chợ nổi Ngã Năm
    • Chợ nổi Ngã Bảy (Chợ nổi Phụng Hiệp)
    • Chợ nổi và du khách thập phương

Chợ nổi – nét văn hoá độc đáo của miền Tây sông nước

Do đặc trưng của khu vực Tây Nam Bộ là hệ thống sông ngòi chằng chịt nên việc di chuyển của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sông nước và ghe xuồng. Lúc bấy giờ, đường bộ cũng chưa thật sự phát triển, đường thuỷ luôn là ưu tiên số một bởi tính thuận tiện của nó.

Những vật phẩm của bà con sau khi trồng trọt hay sản xuất ra đều được mang xuống ghe và trao đổi với nhau do số lượng quá nhiều nên không sử dụng hết. Lâu dần, đã hình thành nên những khu chợ mà hoạt động chủ yếu là mua bán, trao đổi hàng hoá.

Những người từ địa phương khác cũng nghe tiếng tìm về. Từ đó, hoạt động của chợ nổi không biết từ khi nào đã được hình thành trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long như một nghề thứ hai của người dân và là một phần không thể thiếu trong văn hoá sông nước miệt vườn.

Thông thường, người ta hay chọn các khúc sông nằm trên trục giao thông chính để mọi người dễ dàng tiếp cận. Đặc điểm của chúng là không quá rộng, không quá hẹp, không quá nông và không quá sâu. Như vậy vừa không gây nguy hiểm cho tàu thuyền khi di chuyển vừa thuận tiện cho số lượng ghe xuồng lui tới họp chợ.

Ở chợ nổi, người ta sẽ thấy đủ thứ hàng hoá được bày bán không thua gì trên đất liền. Người mua còn có thể leo sang ghe bán hàng lớn để lựa chọn hàng hoá thoả thích. Bên cạnh đó, người ta còn được mãn nhãn với những màn “tung hứng” hoa quả, rau củ rất thú vị từ ghe này sang ghe khác một cách điệu nghệ.

Những quy tắc bất thành văn của chợ nổi

Chợ nổi có những quy tắc bất thành văn mà bất kì ai cũng nên nắm rõ để không ngỡ ngàng nếu lần đầu tiếp cận với hình thức mua bán độc đáo này.

Thứ nhất, “bẹo hàng” chính là điều mà ai cũng nên biết khi tới với chợ nổi. “Bẹo” trong “Từ điển phương ngữ Nam bộ” mang ý nghĩa là “chưng ra, đưa ra để khêu gợi”. Những người bán hàng trên chợ nổi hầu hết đều treo hàng hóa lên trên một cây sào với tên gọi là cây bẹo. Đây là hình thức nhằm giới thiệu sản phẩm mà mình buôn bán tới người mua như một cách chào hàng.

Xem Thêm  Mê mẩn những món ngon nức tiếng trong hành trình check-in Sa Đéc

Ưu điểm của hình thức này là giúp người ta phân biệt được đâu là ghe mua và đâu là ghe bán một cách dễ dàng. Song song đó, với không khí náo nhiệt của buổi chợ, tiếng sóng nước và nhiều âm thanh khác hoà vào, người ta không cần rao hàng nhưng ai ai cũng sẽ biết được chủ ghe đang bán thứ gì. Cây bẹo còn giúp người mua trông thấy món hàng mình muốn tìm dù đứng từ rất xa.

Thứ hai là nguyên tắc bẹo hàng và những ngoại lệ của nó. Như đã nói ở trên, người bán sẽ treo hàng hoá của mình lên trên cây bẹo, đó là “treo gì bán nấy”. Tuy nhiên, có những ngoại lệ mà người mua phải chú ý sau đây:

  •  “Treo mà không bán”: do một số ghe hàng đồng thời là nơi ăn ở của một vài gia đình ngay trên sông nước nên quần áo, vật dụng cá nhân của họ cũng được treo trên ghe. Vì thế, không có nghĩa là họ bán quần áo hay bất cứ thứ gì, chỉ đơn giản là đồ dùng sinh hoạt của họ.
  • “Bán mà không treo”: điều này đúng nếu bạn đang muốn mua đồ ăn thức uống nhưng tìm mãi vẫn chưa thấy ghe nào treo trên cây bẹo. Do đặc thù của thức ăn, nên nếu muốn tìm mua chúng thì người mua phải dựa vào thị giác hoặc thính giác.

Người bán sẽ dùng kèn bấm bằng tay hoặc kèn cóc đạp chân để tạo ra âm thanh báo hiệu cho người mua. Nếu họ đang lỡ tay chuẩn bị thức ăn, nước uống cho khách mà không thể bấm kèn thì người mua chỉ còn cách quan sát để tìm ra chỗ bán.

  •  “Treo cái này bán cái khác”: điều này sẽ hàm ý “bẹo lá bán ghe” tức là chủ nhân đang muốn bán chiếc ghe của họ. Họ sẽ treo một tấm lá dừa nước lên trên cây bẹo để báo hiệu với mọi người.

Thứ ba, về thời gian họp chợ. Các chợ nổi đa phần sẽ họp chủ yếu vào lúc sáng sớm, chính vì thế, nếu muốn có được những hàng hoá tươi ngon nhất hay muốn chứng kiến cảnh mua bán của chợ thì phải tranh thủ ra chợ từ rất sớm. Nếu đến quá giờ thì chợ đã vãn và bạn sẽ phải chờ sáng hôm sau mới có dịp tham gia vào không gian văn hoá đặc trưng này lần nữa.

Chợ nổi là nơi tập trung nhiều ghe xuồng từ nhiều nơi đến. Chính vì thế, nếu như bạn muốn biết các ghe thuyền xuất phát từ địa phương nào thì cách đơn giản nhất chính là nhìn vào mạn thuyền của họ. Ở mạn thuyền sẽ có mã tỉnh của chiếc ghe. 

Những chợ nổi nức tiếng của miền Tây

Chợ nổi Cái Răng

Là một chợ nổi nổi tiếng ở trên sông Cần Thơ, gần cầu Cái Răng. Là chợ đầu mối chuyên về mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long với số lượng lớn. Chợ hoạt động từ 3 giờ sáng và 9 giờ sáng sẽ bắt đầu vãn. Tuy nhiên, vào một số dịp đặc biệt như Tết, người bán hàng ở chợ nổi Cái Răng có thể mở bán 24/7 để phục vụ khách mua hàng.

Xem Thêm  Sen hồng Đồng Tháp – Những nét đẹp mang đậm dấu ấn dân tộc

Tên gọi địa danh Cái Răng có khởi nguồn từ chữ “karan” của người Khmer với ý nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Do ngày xưa nơi đây bày bán rất nhiều karan của người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn).

Chợ nổi Cái Răng là một chợ đầu mối lớn với đủ đầy mọi hàng hóa từ trái cây theo mùa cho tới mọi loại đồ ăn thức uống. Với danh tiếng của mình, chợ là nơi thu hút không chỉ tàu thuyền mua bán mà còn nhiều du khách thập phương tới để trải nghiệm.

Chợ nổi Trà Ôn

Là một chợ nổi nằm ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, chợ toạ lạc ngay giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít. Chợ được họp cả ngày từ sáng tinh mơ cho tới khi chiều tối nên người mua có thể đến chợ bất cứ lúc nào cũng được, nhưng lý tưởng nhất là từ 5h – 6h sáng.

Tại đây, người ta có thể tìm thấy các sản vật rất ngon từ các nhà vườn mang tới mà nhiều nhất chính là trái cây. Bên cạnh đó, một đặc sản nổi tiếng mà người ta có thể thưởng thức tại Chợ nổi Trà Ôn chính là bún bò viên ăn kèm với rau chuối.

Có một nét rất riêng so với các chợ nổi khác đó chính là chợ nổi Trà Ôn được họp theo con nước. Vào thời điểm nước lớn, tập trung rất nhiều tàu bè tới đây trao đổi hàng hoá. Đây là một nét khác biệt gây thích thú không chỉ với người bản địa mà còn với du khách quốc tế.

Chợ nổi Cái Bè

Được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII, Cái Bè là một trong những chợ nổi vang danh từ rất lâu ở đồng bằng sông Cửu Long. Chợ tọa lạc tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang ở khu vực sông Tiền giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. 

Đây là trung tâm lớn với vai trò trung chuyển hàng hóa, trái cây đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác. Tại đây, người ta có thể bắt gặp các tàu thuyền lớn với tải trọng từ 5 – 10 tấn chở hàng đến mua bán.

Nhà thờ Công giáo khổng lồ bên bờ sông là điểm nhấn độc đáo của chợ nổi Cái Bè. Đó là một phông nền tuyệt vời để chụp ảnh lưu niệm cho những ai đã từng đặt chân tới chợ này.

Chợ Cái Bè hoạt động từ sáng sớm tới xế chiều nên du khách hoặc người mua có thể ghé đây bất cứ thời điểm nào trong ngày để chứng kiến cảnh mua bán tấp nập tại khu chợ sầm uất này. Tuy nhiên, để chứng kiến cảnh mua bán nhộn nhịp tại đây thì lúc sáng sớm chính là thời điểm thích hợp nhất.

Chợ nổi Ngã Năm

Nằm cách thị xã Sóc Trăng khoảng 60km, Chợ nổi Ngã Năm là nơi hội tụ của 5 dòng kênh đổ về 5 ngã: Phước Long (Bạc Liêu), Vĩnh Quới (Sóc Trăng), Long Mỹ (Hậu Giang), Phú Lộc (Sóc Trăng) và Phụng Hiệp (Hậu Giang) – thuộc xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Xem Thêm  Say mê 10 món ăn đặc sản miền tây mùa nước nổi ngon “quên lối về”

Chợ là trung tâm giao thương của 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Chợ Ngã Năm như một chợ đầu mối sỉ – lẻ, là nơi cung cấp hầu hết các mặt hàng và đặc sản của vùng từ các loại gạo, trái cây đến vô số loại hải sản của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, chợ còn có các món ăn như cháo, phở… cho mọi người tha hồ thưởng thức.

Khung thời gian mà chợ hoạt động sôi nổi nhất là 3-4 giờ sáng, cao điểm là 5 giờ, 7-8 giờ sáng là chợ đã bắt đầu vãn, nhưng vào dịp Tết thì chợ hoạt động cả ngày. 

Chợ nổi Ngã Bảy (Chợ nổi Phụng Hiệp)

Chợ nổi Phụng Hiệp mở cửa hoạt động vào năm 1915 và từ đó trở thành điểm buôn bán chủ chốt của người dân thị xã Ngã Bảy. Đây là khu chợ rất nổi tiếng đối với những ai muốn khám phá văn hóa chợ nổi của đồng bằng sông Cửu Long.

Đúng như tên gọi, chợ nổi Ngã Bảy nằm ở trung tâm bảy nhánh kênh đào và sông giao nhau, bao gồm: Cái Côn, Bún Tàu, Xẻo Môn, Lái Hiếu, Quản Lộ, Xẻo Vông và Mương Lộ.

Vào mỗi buổi sáng, người dân sẽ họp chợ và bày bán những thứ như đồ ăn thức uống, trái cây, rau và đồ gia dụng. Điểm đặc biệt tại nơi này là người ta có thể tìm mua những thứ lạ lẫm như tắc kè, rắn, ba ba… mà người bán bắt được từ rừng mang về.

Không chỉ nổi tiếng bởi hoạt động mua bán của mình, chợ nổi Ngã Bảy còn gắn với bản Tình anh bán chiếu nổi tiếng một thời.

Chợ nổi và du khách thập phương

Những nét văn hoá đặc trưng của vùng miền luôn là sức hút với bất kỳ ai dù trong hay ngoài nước. Chợ nổi chính là cái hồn của người Tây Nam Bộ trên sông nước mênh mông mà nhiều du khách muốn khám phá và trải nghiệm.

Lênh đênh trên sóng nước, thưởng thức những món ăn địa phương ngay trên ghe hay tận mắt chứng kiến cảnh mua bán tấp nập và lưu giữ lại những tấm ảnh cho mình là điều không hiếm nếu du khách có dịp tới với nơi này.

Các công ty lữ hành cũng đã đưa vào khai thác điểm đến này như cách quảng bá một nét văn hoá của sông nước Tây Nam Bộ tới với bạn bè xa gần để họ hiểu hơn về một hình thức mua bán rất độc đáo – ngay trên sóng nước!

Qua những thông tin về chợ nổi mà Đất Sen Hồng cung cấp, chắc hẳn chúng ta đã hiểu hơn về một nét văn hoá đặc trưng của miền sông nước Tây Nam Bộ. Tuy thời gian đã hình thành nên những phương thức mua bán tiên tiến, hiện đại và tiện lợi hơn nhưng chợ nổi vẫn là một nét văn hoá truyền thống mà chúng ta phải bảo tồn và phát triển.

Tác giá: Trầm

  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Bài Viết Liên Quan

Những câu chuyện xoay quanh 3 căn nhà cổ tại Đồng Tháp chưa chắc bạn đã biết
3 Thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp – không đơn thuần là những cái tên
5 ngôi chùa tuyệt đẹp tại Đồng Tháp nhất định phải ghé

Chuyên Mục: Tổng Hợp

Previous Post: « Chùm thơ hay về Sen – Tác giả: Hữu Nhân (Phần 1)
Next Post: Cao Lãnh có gì chơi? Các địa điểm du lịch và ăn uống không thể bỏ qua »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Bài viết mới

  • Kinh nghiệm du lịch Bình Lập chi tiết khám phá thiên nhiên kỳ thú
  • 5 địa điểm du lịch Tết ở Phú Yên, đi một lần là nghiện
  • Tìm hiểu hình thức du lịch kết hợp detox giúp giảm cân, giải độc cơ thể
  • Du lịch Bình Thuận không nên bỏ qua những món ăn này
  • Du lịch tháng 11 nên đi đâu, lên kế hoạch cho chuyến đi cuối năm ngay hôm nay
  • Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Cửa Lò cho bạn thoải sức vui chơi
  • Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Thái Lan – Xứ xở chùa vàng
  • Tất tần tật những điều cần lưu ý khi đi du lịch dịp tết nguyên đán 2022
  • Top 8 địa điểm du lịch đẹp, nổi tiếng bạn nhất định phải đến tại Cù Lao Chàm
  • Du lịch Mai Châu: Cẩm nang kinh nghiệm du lịch mới nhất
  • Bỏ túi từ A – Z kinh nghiệm du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trung Quốc
  • Dùng ngay quần lót miễn giặt Swing tiện lợi an toàn cho các tín đồ mê du lịch
  • Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo cho người đi lần đầu
  • Phú Quốc bắt đầu mở cửa đón khách trở lại, những điều kiện cần khi đi du lịch
  • Điểm qua 10 địa điểm du lịch miễn phí cực hút khách tại Australia

Chuyên mục

  • Ẩm Thực
  • Blog
  • Cẩm Nang
  • Du Lịch
  • Đặc Sản
  • Địa Điểm
  • Giải Ngố
  • Thị Trường
  • Tổng Hợp
  • Toplist

Copyright © 2023 · Đất Sen Hồng - Nồng nàn hương sắc Việt