Tiền thân là đội bóng Đồng Tháp, ngay từ khi thành lập năm 1976, đây là đội bóng được đánh giá hàng đầu của khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Những năm 2000, đây là đội bóng từng khuynh đảo sân cỏ Việt Nam với hai lần đứng trên đỉnh vinh quang của giải bóng quốc gia. Thế nhưng, nay bóng đá Đồng Tháp đang trên đà xuống dốc bất ngờ.
1.Ngạo nghễ một thời vang bóng
Mùa bóng năm 1987, đội xuất sắc giành được suất thăng hạng, thi đấu giải vô địch quốc gia, đến mùa bóng năm 1989 đội thi đấu ấn tượng với bất ngờ thắng đội Thể Công 1-0 trong trận chung kết và ghi tên mình vào chức vô địch đầu tiên. Đồng thời cũng tạo kỷ lục của bóng đá Việt Nam khi là đội vừa vô địch, vừa thăng hạng.
Những năm tiếp theo, đội bóng Đồng Tháp vẫn duy trì phong độ và luôn có mặt trong top những đội bóng xuất sắc của giải vô địch quốc gia. Mùa bóng năm 1996, đội tiếp tục lên đỉnh vinh quang với chiến thắng trước đội bóng đá Công an Thành phố Hồ Chí Minh trong trận chung kết tại Cao Lãnh.
Năm 2008, đội chuyển sang bóng đá bán chuyên nghiệp với sự tài trợ mạnh của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Đội thi đấu tốt ở giải hạng Nhất cùng tên gọi mới CLB bóng đá Tập đoàn Cao su Đồng Tháp, giành suất trở lại V-League 2009. Tháng 8/2010, đội chuyển sang mô hình chuyên nghiệp dưới sự quản lý của Công ty TNHH Bóng đá Đồng Tháp cùng nhà tài trợ chính vẫn là Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Bước vào mùa giải 2011, đội Đồng Tháp gặp vấn đề “chảy máu cầu thủ” , tuy nhiên đội đã kịp thời hoàn thiện đội hình, dù bị đánh giá yếu hơn mùa giải 2010 nhưng vẫn được xem là một đội bóng đáng gờm về ý chí và sự kiên cường dưới sự dẫn dắt của HLV mát tay Phạm Công Lộc.
Sau khi kết thúc giải hạng Nhất 2014, các nhà tài trợ thông báo ngừng tài trợ, do không đủ kinh phí mặc dù giành được quyền tham dự V-League 2015 nhưng UBND tỉnh vẫn quyết định giải thể đội bóng. Trên bờ vực giải thể, đội bóng được doanh nghiệp địa ốc Hồng Quang đã rót tiền tài trợ nhưng không tìm được tiếng nói chung nên UBND tỉnh quyết định thành lập Công ty cổ phần phát triển bóng đá Đồng Tháp và đổi tên CLB thành Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tháp.
V.League 2016 là lần gần nhất Đồng Tháp góp mặt ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam, trong 4 năm thi đấu tại hạng Nhất, Đồng Tháp khá chật vật và gặp nhiều khó khăn khi thiếu tiềm lực tài chính và phản ánh một sự thật về một nền bóng đá đã xuống cấp.
Dù hiện tại là những bước trượt dài nhưng không thể phủ nhận, CLB bóng đá Đồng Tháp từng là một tập thể xuất sắc, có lối chơi ấn tượng và quy tụ nhiều cầu thủ chất lượng. Từng tự hào là đội đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam có một chiến thắng tại Cúp C2 châu Á (nay là AFC Cup). Năm 1997, Đồng Tháp với tư cách là nhà đương kim vô địch Việt Nam thắng CLB Churchill (Ấn Độ) 1-0 trên sân khách.
2.Trận “chung kết ngược” lịch sử giữa bóng đá Đồng Tháp và Long An
Ngày 30/10 là một ngày buồn của những người hâm mộ bóng đá miền Tây. Sau 5 năm, hai kỳ phùng địch thủ là Đồng Tháp và Long An ra sân trong tâm thế “một mất một còn” trong trận chung kết ngược giành suất trụ lại giải hạng Nhất. Dễ hiểu vì sao hai động bóng từng rất mạnh lại sa lầy đến vậy trong mùa giải năm nay. Nếu Long An là đội ghi bàn ít nhất thì Đồng Tháp lại trở thành đội bị thủng lưới nhiều nhất.
Long An là đội ở thế khó hơn trong trận chung kết ngược, họ đang xếp cuối bảng và phải chắc chắn giành chiến thắng nếu không muốn tụt xuống giải hạng Nhì ở mùa giải tới. Tuy nhiên, đội hình của Long An cũng không được đánh giá cao, vì phần lớn là những cầu thủ thiếu kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao, nhưng họ lại có lợi thế là thi đấu trên sân nhà.
Kết thúc trận đấu “chung kết ngược” lịch sử, Long An hân hoan trong niềm vui trụ hạng và song song với đó là nỗi buồn đổ gục xuống sân của những cầu thủ Đồng Tháp. Lúc này, các cầu thủ Đồng Tháp lo lắng cho tương lai với một bến đỗ mới bởi nhiều khả năng đội bóng có nguy cơ bị giải thể. Nếu điều này là thật, đây sẽ là một điều đáng tiếc của bóng đá Việt Nam.
CLB Đồng Tháp từng sống bằng hơi thở của nội lực, nhưng điều đó cũng mất dần theo thời gian vì vấn đề tài chính. Với bóng đá chuyên nghiệp, mọi thứ như con số 0 nếu tài chính không vững.
V-League 2020 đã sạch bóng miền Tây, một điều vô cùng tiếc nuối cho một bóng đá miền Tây từng một thời vang bóng. Giá như được tổ chức bài bản, lò đào tạo của Đồng Tháp hay cả Long An sẽ sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi, tiềm năng. Bản sắc của họ như một dấu ấn rất riêng, tạo nên màu sắc và sự hấp dẫn trong các giải đấu V-League. Tuy nhiên, ngày bóng đá miền Tây thật sự trở lại sân chơi cao nhất có lẽ còn khá xa.
3.Những khó khăn bóng đá Đồng Tháp phải đối mặt hiện nay
Từng là một trong những đội bóng thi đấu tốt giàu thành tích bậc nhất, việc không còn nguồn lực tài chính lớn từ tập đoàn Cao su Đồng Tháp là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đội bóng đi xuống. Bên cạnh đó là các chính sách không cho doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành, cùng với đó là tình hình không tốt những năm gần đây khiến bóng đá Đồng Tháp mất đi nguồn hậu thuẫn lớn.
Mùa giải 2020, tuy có đến 7 nhà tài trợ nhưng thực tế liên tục nợ lương cầu thủ. Nói trên phương diện kinh doanh, Đồng Tháp là một CLB rất chuyên nghiệp khi họ có phòng Marketing quảng bá tên tuổi, hình ảnh của đội bóng để tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài.
Những nỗ lực của họ cũng gặt hái được quả ngọt là bản hợp đồng với Tập đoàn khách sạn Thái Lan Mekong Heritage. Dù vậy việc tập đoàn này cộng thêm 6 nhà tài trợ khác là không đủ để vực dậy đội bóng đã đi xuống quá nhiều theo thời gian.
Tình hình tài chính khó khăn của Đồng Tháp vỡ lở khi cựu tuyển thủ quốc gia Thanh Hiền lên tiếng trên mạng xã hội. Lúc này người hâm mộ mới biết việc các cầu thủ bị nợ tới 4 tháng lương. Thay vì giải quyết quyền lợi cho các cầu thủ, CLB lại sử dụng phương án yêu cầu họ giảm 25% mức thu nhập, dẫn đến các cầu thủ nòng cốt dứt áo ra đi và thành tích của đội ngày càng sụt giảm.
Về mặt con người, Đồng Tháp khi còn thi đấu V-League không hề thua kém các đội bóng khác. Họ từng thuyết phục đánh bại CLB Hải Phòng ở cúp Quốc gia năm nay. Kể từ thời của Thanh Bình, Tấn Trường, những người đàn em kém Công Thành 1-2 tuổi có thể coi là thế hệ vàng mới của bóng đá Đồng Tháp. Họ có sự thấu hiểu và kỹ thuật chơi bóng tốt khi từng vô địch giải U15, U17, U19 quốc gia.
Tình hình tài chính bất ổn kéo theo những hệ lụy tồi tệ, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, nguyên một dàn cầu thủ tham gia bán độ, dàn xếp tỷ số và phải nhận án phạt. Từ bản tường trình của các cầu thủ U21 Đồng Tháp, người ta mới biết việc bán độ này đã diễn ra trong một thời gian khá dài.
Thay vì xử lý triệt để, lãnh đạo CLB Đồng Tháp lại nhắm mắt làm ngơ vì sợ không còn cầu thủ tham gia thi đấu. Cuối cùng hành vi gian lận không thể dung túng mãi, mức án phạt 5 năm cấm thi đấu ở quy mô quốc tế là mức xứng đáng mà họ phải nhận.
Từ lâu, bóng đá Đồng Tháp không sản sinh ra lứa cầu thủ chất lượng, gần đây lứa U21 liên tục gây dấu ấn và là sự kỳ vọng cho tương lai của đội bóng nhưng bê bối bán độ đã chấm dứt tất cả. Đồng Tháp hiện đang phải đối mặt với quá nhiều bài toán khó, đến khi nào Đồng Tháp mới có thể trở lại V-League, đến khi nào mới lấy lại vị thế xưa.
Tác giả: Mai Nguyen