Nếu là một fan của các loại bánh bò thì có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua bánh bò thốt nốt. Đây là một món bánh rất đặc trưng của vùng An Giang ngày trước và giờ đây, nó đã theo chân bao người có mặt ở nhiều nơi.
Thưởng thức bánh bò thốt nốt, người ta sẽ không thể nào quên được hương vị lẫn màu sắc của một món bánh dung dị gắn liền với tên tuổi của một loại cây quen thuộc. Cùng Đất sen hồng điểm qua những nét thú vị của loại bánh bò này cũng như cách để người ta tạo ra chúng nhé!
Sự đặc biệt của một thứ quà quê
Nói về khởi nguồn của món bánh bò thì nó được xuất phát từ tận phía nam Trung Quốc với tên gọi mang ý nghĩa là “bánh đường trắng”, sau đó mới phổ biến tại nước ta. Tuy nhiên, bánh của Trung Quốc lại có vị hơi chua và không sử dụng dừa trong thành phần chế biến.
Sau khi tiếp xúc với món bánh hấp dẫn, người Việt ta đã cải biên cho phù hợp với văn hoá và khẩu vị của từng địa phương nên có vô vàn món bánh bò từ đó mà ra đời. Bột gạo, nước, đường và men chính là những nguyên liệu chính làm nên món bánh đặc sắc này. Và “bò” trong tên gọi (theo ý kiến của một số người) thì nó mô tả hiện tượng bột làm bánh sẽ “bò” lên sau khi được ủ.
Do sự biến chuyển linh hoạt tùy theo từng vùng đất nên bánh bò thốt nốt cũng ra đời tại An Giang – vương quốc mà rất nhiều cây thốt nốt ngự trị. Sở dĩ bánh bò ở đây có tên gọi như vậy là do đường dùng để làm bánh chính là đường thốt nốt (thay vì đường cát như các vùng khác), bên cạnh đó, người ta còn sử dụng bột từ trái thốt nốt và nước thốt nốt pha trộn cùng bột gạo tạo nên món bánh cực kì hấp dẫn này.
Đường thốt nốt là loại đường thượng hạng với vị ngọt thanh, bùi bùi, thơm béo, hoàn toàn không có chất hóa học và được chế biến vô cùng kì công mới thu được. Chính từ sự khác biệt trong thành phần nguyên liệu đã dẫn tới sự khác biệt trong hương vị lẫn màu sắc bên ngoài.
Cầm trên tay chiếc bánh bò thốt nốt, người ta sẽ thấy thích thú ngay bởi cái nhỏ xinh của chiếc bánh và màu vàng nhạt rất đỗi tự nhiên. Thưởng thức bánh bò thốt nốt mới hoàn toàn cảm nhận được cái tinh tế trong cả hương vị của nó.
Không chỉ đơn thuần là cái xôm xốp của bột hay mùi men thoang thoảng như những loại bánh bò khác, bánh bò thốt nốt còn phảng phất cả mùi thốt nốt không lẫn vào đâu. Bên cạnh đó, vị ngọt của loại bánh bò này chỉ cho người ta vị ngọt thanh mà không quá gắt.
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp bánh bò thốt nốt ở vùng An Giang và một vài tỉnh miền Tây bởi những nơi đây có thể dễ dàng tìm mua được đường thốt nốt.
Điều gì làm nên một chiếc bánh bò thốt nốt ngon tròn vị?
Để có món bánh bò hấp dẫn, thợ làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn với những tiêu chuẩn khắt khe từ nguyên liệu cho tới khâu chế biến để cho ra đời những chiếc bánh nhỏ xinh với màu vàng đẹp mắt. Những nguyên liệu chính làm nên món bánh bò thơm ngon này chính là: bột gạo, đường thốt nốt, bột thốt nốt, nước cốt dừa. Bên cạnh đó, còn có thêm một thành phần phụ không thể thiếu đó chính là cơm rượu.
Khi bắt tay vào quy trình làm bánh, trước tiên phải đem gạo đi ngâm trong nước tầm 5 tiếng, sau đó vớt gạo ra rồi đem xay. Gạo được chọn phải là loại gạo ngon và không sâu mọt, có như vậy hương vị của bánh mới đảm bảo sự tuyệt hảo khi thưởng thức.
Sau khi xay xong, người ta cho gạo đã xay vào một túi vải, dùng một vật nặng dằn lên trên cho nước trong gạo chảy ra hết. Cuối cùng sẽ thu được bột gạo để sử dụng cho việc làm bánh.
Tiếp theo là khâu làm bột thốt nốt. Chọn những trái thốt nốt già (với phần vỏ đã xuất hiện màu vàng) có phần thịt dày, lột vỏ, chẻ đôi ra và bắt đầu mài nhuyễn để lấy bột. Bên cạnh đó, nước chảy ra trong quá trình mài trái thốt nốt cũng được giữ lại để trộn chung với bột gạo, như vậy bánh sẽ có màu sắc đẹp hơn.
Song song đó, người ta cũng vắt dừa để lấy nước cốt. Đường thốt nốt chọn loại đường thốt nốt tán, sau đó cắt nhuyễn ra, hòa chung vào nước cốt dừa cho tới khi tan hết.
Tỉ lệ thành phần của các nguyên liệu sẽ tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng người làm bánh. Người ta sẽ cho hỗn hợp bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt, nước cốt dừa và một ít nước vào trộn chung cho thật đều rồi đem ủ một đêm. Điểm mấu chốt ở đây là phải cho vào hỗn hợp một chút cơm rượu để giúp bột nhanh lên men và mang tới thêm một mùi hương cho bánh bò thốt nốt.
Sang hôm sau, người ta mới bắt đầu đem bột ra đổ khuôn hấp bánh. Khuôn dành cho món bánh bò thốt nốt này là những chiếc khuôn nhỏ xinh hình tròn hay vuông được để trên một cái nồi hấp với nước sôi bên dưới. Khi nước đã đủ độ sôi, người thợ mới tiến hành đổ bột vào khuôn.
Thoa một chút dầu vào khuôn bánh, sau đó dùng vá múc một lượng bột vừa phải rồi nhanh tay đổ vào từng chiếc khuôn rồi đậy nắp nồi lại. Trong khoảng thời gian từ 20 – 30 phút (tùy kích thước khuôn) là bánh sẽ chín.
Trước khi bánh chín một chút, mở nắp ra và phết lên mặt bánh một lớp nước cốt dừa đã nấu chín. Chính lớp nước cốt dừa này sẽ là yếu tố giúp tăng cường hương vị cho bánh bò thốt nốt. Bí quyết để làm ra nước cốt dừa vừa thơm vừa béo, người thợ làm bánh phải chọn dừa khô để vắt nước và phải cho thêm ít muối trước khi bắt đầu nấu nó trên bếp.
Sau cùng, khi bánh chín, người ta mở nắp lấy bánh ra và gói chúng gọn ghẽ trong từng miếng lá chuối hay “lá soong” (thứ lá đặc biệt ở vùng Châu Đốc). Ở một số cơ sở làm bánh, người ta còn rắc một ít dừa nạo lên mặt bánh để tăng hương vị và màu sắc. Như vậy là đã hoàn thành một chiếc bánh bò thốt nốt vừa vàng tươi đẹp mắt vừa thơm ngon khó cưỡng.
Theo kinh nghiệm của những người làm bánh bò thốt nốt, nếu dùng khoảng 1 kg bột và 1kg đường thốt nốt có thể cho ra khoảng 40 cái bánh bò thành phẩm. Thông thường, đường thốt nốt sẽ có ba loại là: đường thốt nốt chảy/bột/tán (trong đó đắt nhất là đường thốt nốt tán). Khi sử dụng để làm bánh, thông thường người ta hay chọn loại đường thốt nốt tán vì nó mang lại hương vị ngon nhất cho món bánh.
Đường thốt nốt muốn ngon phải chọn loại đường không có độ sáng vì những loại trông bắt mắt đã được pha với đường cát. Đường thốt nốt nguyên chất sẽ mang lại vị ngọt thanh và hơi chua nhẹ, có màu da bò (đôi khi lại có màu vàng hơi khét) và mềm (có thể dùng tay bóp hoặc cắt dễ dàng).
Có thể mua đường thốt nốt từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau, cao điểm là từ tháng chạp đến tháng 3.
Sau một hành trình dài theo dõi cách người ta làm ra món bánh bò thốt nốt thơm ngon, beo béo, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm nhận được nhiều điều. Không chỉ là vị ngon trọn vẹn của chiếc bánh nhỏ xinh mà còn là những vất vả, gian nan của những người xay bột đổ khuôn để chúng ta có trên tay chiếc bánh ngon mà thưởng thức. Khi có dịp tới với bất kì nơi nào có bánh bò thốt nốt, nhớ thưởng thức qua món bánh dung dị nhưng chứa đầy sự ngọt ngào, yêu thương này nhé!
Tác giả: Trầm