• Blog
  • Địa Điểm
  • Giải Ngố
  • Đặc Sản
  • Cẩm Nang
  • Ẩm Thực
  • Thị Trường
  • Toplist

Đất Sen Hồng

5 ngôi chùa tuyệt đẹp tại Đồng Tháp nhất định phải ghé

29/10/2022 by Đất Sen Hồng Bình Luận: Leave a Comment

Không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên trù phú, hệ sinh thái đa dạng, Đồng Tháp còn được nhớ đến là vùng đất với rất nhiều di tích lịch sử, các công trình đền chùa lâu đời, mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo. Theo chân Đất Sen Hồng khám phá vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm của những ngôi cổ tự nổi danh miền Tây Nam Bộ.

Mục Lục Bài Viết

  • Chùa Phước Hưng
  • Chùa Phước Kiển 
  • Chùa Kim Huê
  • Chùa Bửu Hưng
  • Chùa Bửu Lâm

Chùa Phước Hưng

Vùng đất hiền hòa với cây lành trái ngọt, Sa Đéc còn nổi tiếng với câu truyền tụng: “Sa Đéc là đất Phật”. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên và nghiêng mình sùng kính trước vẻ linh thiêng của hơn 50 ngôi chùa lớn nhỏ rải rác khắp địa bàn thành phố. Nổi bật nhất trong số đó là Phước Hưng cổ tự.

Lịch sử xây dựng và vị trí tọa lạc

Phước Hưng cổ tự còn có tên gọi là chùa Hương, hiện đang tọa tại số 461 đường Hùng Vương, ngay trung tâm thành phố Sa Đéc. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc, ra đời từ thời khai hoang lập ấp của tiền nhân, gắn liền với sự ra đời của Phật giáo tại đô thị cổ Sa Đéc 300 năm.

Chùa do nhóm người Hoa thuộc Minh Hương hội đến Sa Đéc sinh cơ lập nghiệp xây dựng lên vào năm 1838. Chùa trải qua 6 đời trụ trì và nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống của người Hoa lâu đời. 

Vẻ đẹp linh thiêng tuyệt sắc

Thoạt nhìn từ bên ngoài, ngôi chùa có kiểu kiến trúc đặc biệt khi giống một ngôi đình làng hơn, có tất cả 8 mái, cấu trúc 2 cấp. Phần mái lợp ngói âm dương truyền thống, xung quanh đắp nổi lên hoa, lá, chim muông cùng phù điêu Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng màu sắc rực rỡ.

Qua cửa Đông Lang tiến vào chính điện có đôi câu đối bằng chữ Hán nghe như âm vang chí nguyện của người xưa. Phía trong trai đường là nơi thờ tự các chư liệt vị tổ sư và các trụ trì, linh vị và di ảnh đều được đặt trong khánh gỗ sơn son thếp vàng, điêu khắc tinh xảo. Nổi bật trước tổ điện là bức hoành phi rất công phu với ba chữ Bát Nhã Đường. 

Đặc biệt, nơi thờ Phật có bức tượng A Di Đà bằng đất sét thếp vàng, tuy không nung và trải qua niên đại hơn trăm năm nhưng vẫn giữ nét đẹp và uy nghiêm nguyên vẹn. Tại đây, trong số các pháp khí có giá trị phải kể đến chiếc mõ tụng kinh chạm hình song ngư tuyệt đẹp, độc đáo nặng tới 15kg phát nguyện thỉnh từ Hà Nội vào.

Bên ngoài khuôn viên chùa là khoảng sân rộng rãi, cây kiểng bao quanh với khung cảnh yên bình, an nhiên hiếm có. Dành thời gian đi dạo, hít thở không khí thoáng đãng, trong lành nơi đây là bao bộn bề, lo lắng cũng tự nhiên mà biến mất. Được xem là mái ấm tâm linh của người dân Đồng Tháp, chùa Phước Hưng linh thiêng luôn thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến thắp hương cầu nguyện.

Chùa Phước Kiển 

Điểm đến hot nhất miền Tây mùa nước nổi, nườm nượp người ghé thăm vì sở hữu hồ sen đặc biệt với những lá sen vua có thể cõng người lên tới 140kg. Ngay từ đầu cổng chùa, khách du lịch thập phương có thể cảm nhận như đang bước vào một khu vườn nhiệt đới với hai hàng cây dừa cao chót vót cùng nhiều cây cối rậm rạp bao quanh.

Lịch sử xây dựng và vị trí tọa lạc

Xem Thêm  Khó quên hương vị đặc sản miền Tây – Ốc Bươu nướng tiêu

Ngôi chùa nằm ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, bạn đi theo tuyến quốc lộ 80, qua chợ Nha Mân thì rẽ trái, đi đường ven sông, để chắc chắn hơn hãy hỏi người dân gần đó đường đi. Chùa được xây dưới thời vua Thiệu Trị, từng là cơ sở cách mạng với không gian lớn, uy nghiêm, thoáng đãng. Tuy nhiên vào năm 1966, ngôi chùa đã bị đổ sập do bom đạn chiến tranh.

Sau năm 1975, chùa được xây dựng lại nhưng với lối kiến trúc đơn giản hơn gồm cổng chùa, tháp thờ Phật và chính điện. Và cũng sau chiến tranh ngôi chùa xuất hiện nhiều hố bom, nhà chùa đã cải tạo làm thành hồ trồng sen, vừa là để xóa đi dấu vết chiến tranh vừa là điểm đặc biệt của chùa cho khách tham quan vãn cảnh. 

Vẻ đẹp độc đáo với “lá sen khổng lồ cõng được người”

Hồ sen ở đây như biểu thị cho sự thiêng liêng của đất trời, hồ sen nhìn từ trên xuống có hình vuông tượng trưng cho trời với những lá sen to tròn tượng trưng cho đất. Những lá sen ở đây kích thước cỡ như cái nia lớn, vành cong, sắc xanh lá mạ đẹp mắt, dày và có nhiều gai nên có sức sống dẻo dai, tránh sự tấn công của các loài động vật dưới nước.

Sen tại đây xuất hiện từ năm 1992, không có tên gọi chính xác mà tùy vào hình dáng, cảm nhận mà được gọi là Sen vua, súng nia, cây nong tầm..cũng nhờ điều đặc biệt này mà người ta gọi chùa Phước Kiển là chùa Lá Sen hay chà Sen Vua. 

Lá sen ở đây rất đặc biệt khi co rút kích thước theo mùa, vào mùa khô chiều rộng khoảng 1m nhưng đến mùa nước nổi đường kính có thể lên tới 3- 4m. Và vào mùa nước, với kích thước khổng lồ thì lá sen có thể chịu được sức nặng của người lên tới 80kg mà chỉ trao nhẹ mặt nước lăn tăn.

Bạn nên đến đây vãn cảnh vào mùa nước nổi khoảng tháng 9,10, bởi đó là lúc lá en ra nhiều, kích thước to dày dặn. Cũng vì dày dặn nên lá sen rất giòn, khi muốn đứng lên trên bạn cần đặt một mâm thiếc mỏng lên trên, sau đó chậm rãi bước vào tâm lá sen để tạo độ cân bằng. Du khách có thể tham quan, vãn cảnh miễn phí nhưng nếu muốn chụp ảnh làm kỉ niệm có thể thuê dịch vụ của người dân gần đó, bắc ván gỗ chụp ảnh.

Xen kẽ vô vàn lá sen khổng lồ, lấp ló đâu đó trên mặt nước là những bông hoa sen hé nở điểm xuyết, tăng thêm cảnh hữu tình. Hoa sen ở đây nở trong 3 ngày, mỗi ngày 2 lần, chuyển màu liên tục từ màu trắng phớt hồng đến khi tàn là sắc tím thẫm.

Không chỉ ghi dấu ấn đặc biệt với hồ sen vua, nơi đây còn hấp dẫn với câu chuyện về rùa thần và hạc thần. Năm 1948 có người mang đến tặng chùa một con rùa, con rùa hằng ngày quanh quẩn bên vị sư nghe tụng kinh, rồi khi chiến tranh chùa bị phá hủy, rùa bị bắt mất, nhưng sau đó đã tự tìm đường về lại chùa. 

Năm 1999, trong chùa xuất hiện một con hạc thường đậu trên lưng rùa, sau đó có ý kiến bắt chim hạc về bảo tồn, từ đó người ta cũng không còn thấy chim hạc nữa và con rùa cũng qua đời. Trụ trì của chùa đã ướp xác rùa, đeo lên rùa một chuỗi tràng hạt và đặt trong lồng kính thờ trong chùa.

Chùa Kim Huê

Không hổ danh là đất Phật, tại Sa Đéc tập trung rất nhiều những công trình chùa chiền uy nghiêm, nổi bật. Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu gây ấn tượng chính là chùa Kim Huê mang vẻ đẹp cung đình Trung Hoa nguy nga giữa lòng thành phố.

Xem Thêm  Chùm thơ hay về Sen – Tác giả: Hữu Nhân (Phần 1)

Lịch sử xây dựng và vị trí tọa lạc

Chùa Kim Huê hay còn gọi là Hội KHánh Tự hay chùa Bông tọa lạc tại số 41/2 Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngôi tổ đình sở hữu vẻ đẹp cổ kính bên rạch Cái Sơn với những hàng liễu rủ thơ mộng, buông nhẹ theo làn gió của xứ miệt vườn.

Được xây dựng từ năm 1806, theo các chư tăng trong chùa, không rõ tên Hội Khánh Tự xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết trên đà ngang của chùa có khắc 3 chữ ấy, ngoài ra người ta còn gọi là chùa Bông vì trước đây chùa trồng rất nhiều hoa. Từ những năm 1920 -1945, nơi đây từng là trung tâm đào tạo gia giáo cho chư tăng khắp các tỉnh miền Tây, đóng góp tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ.

Vẻ đẹp cổ kính bên rạch Cái Sơn

Hiện tại theo thời gian, chùa được trùng tu ngày một khang trang hơn với chính điện rộng rãi, thoáng đãng cho Phật tử đến tu tập và cúng bái. Khuôn viên lớn với 6 cửa sổ nhỏ và 3 cửa lớn, những bức tượng xưa quý giá từ thời mới xây dựng chùa vẫn còn được giữ đến bây giờ. 

Khu nhà tổ phía dưới rộng rãi, là nơi thờ tự những vị tổ sư nổi tiếng của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Phía trước trong khuôn viên chùa có 2 cây Bồ Đề lớn, cành lá xum xuê được trồng từ rất lâu, càng tăng thêm vẻ hoài cổ. Kim Huê xưa phủ chút rong rêu, nửa tân nửa cổ với khu tháp lâu đời làm điểm tựa. Cái vẻ cổ kính trong từng hòn gạch đỏ, mỗi cục đá xanh, mỗi gốc cổ thụ, hay bông lá tươi xanh là công sức của biết bao thế hệ đã qua, trường tồn với thời gian.

Sau lưng chùa là một ngôi trường, lấy tên là trường Bồ Đề, mới đầu ngôi trường thuộc tài sản của chùa, thời gian qua đi, Tăng sư và Ban Giám Hiệu quyết định hiến cho Chính phủ để tiếp tục duy trì sự nghiệp giáo dục nhân tài cho địa phương. 

Chùa Bửu Hưng

Được xây dựng gần 240 năm trước, đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Đồng Tháp. Đường dẫn vào chùa cây cối xum xuê, xanh rì như tăng thêm vẻ kỳ bí, cổ kính cho ngôi chùa. Nằm bên cạnh rạch Ông Cả Cát nên từ xưa những người dân ở đây thường gọi là chùa Cả Cát.

Lịch sử xây dựng và vị trí tọa lạc

Chùa nằm ở xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cách trung tâm TP Sa Đéc khoảng 9km. Theo lịch sử ghi chép, chùa được xây dựng từ những năm 1777 – 1780 thế kỷ 18 với vật liệu thô sơ như tre trúc, đắp bùn, lá dừa nước. Năm 1803, chùa được vua Gia Long sắc phong “Sắc tứ Bửu Hương tự”, sau đó chùa cũng được xây dựng thành đại tự uy nghi với nguyên vật liệu là gỗ quý.

Chùa được trùng tu nhiều lần sau đó, đến năm 1946, chùa bị máy bay Pháp ném bom, năm (1950 – 1966) trụ trì cho xây dựng lại chùa và dần lấy lại sự hưng thịnh như trước. Năm 2002, chùa được tu sửa khang trang hơn với mái ngói lưu ly, nền lát gạch. 

Ngôi chùa thiêng ở Đồng Tháp được công nhận là di tích lịch sử quốc gia

Chùa được bao quanh bởi vườn cây yên tĩnh, thoáng đãng, trước chùa là hồ sen và con rạch chảy xuôi bốn mùa mát rượi, tạo sự thư thái, thanh tịnh cần có của chốn thiền môn. Chùa tọa lạc trên diện tích khoảng 4000m2, thiết kế kiểu chữ Tam, chánh điện gồm ba gian hai chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, Thần vọng được chạm trổ Tứ linh rất tinh xảo.

Xem Thêm  Set kèo check – in khu du lịch văn hóa Nam Phương Linh Từ nổi tiếng tại Đồng Tháp

Phía sau chánh điện là một khoảng sân lộ thiên với nhiều cây kiểng, nơi đón lấy ánh sáng giao hòa. Trong vườn trúc cạnh chùa có ngôi tháp cổ, đây là nơi an trí nhục thân của các nhà sư tu tập tại chùa. Vườn trúc xanh mướt, ngợp trời như tăng thêm vẻ kỳ bí cho chốn linh thiêng.

Bên cạnh nét cổ kính, uy nghiêm, ngôi chùa còn ghi dấu ấn tượng với phần lớn các tượng Phật tại đây đều được làm từ cây gỗ quý có niên đại trăm năm tuổi. Hiện chùa vẫn còn giữ ba bộ cửa được làm ở đầu thế kỷ 20, được dựng vách sau chính điện và chạm hình rồng, hoa lá rất tỉ mỉ và nghệ thuật. 

Với bề dày lịch sự và sự uy nghiêm trải qua niên đại hàng trăm năm, ngôi chùa được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2007.

Chùa Bửu Lâm

Bửu Lâm cổ tự ở Nam Bộ có niên đại trên 300 năm, một chứng tích lịch sử gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của người dân địa phương. Là điểm dừng chân của du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Lịch sử xây dựng và vị trí tọa lạc

Chùa  tọa tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tục danh là chùa Tổ Cái Bèo. Ra đời khoảng cuối thế kỷ 17, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, chùa từng là địa điểm tiếp tế lương thực, hậu cần, trạm liên lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề trong những năm 1967- 1969, chùa được trùng tu sau đó nhiều lần và vẫn giữ được nét cổ kính đặc trưng của chùa Nam Bộ. Chùa nằm trên mảnh đất vườn rộng 1,6ha rợp bóng cây thoáng mát, yên tĩnh.

Ngôi cổ tự trên 300 năm tuổi

Chùa có cấu trúc hình chữ tam gồm bảy nóc kết thành, cách hậu tổ bằng cái sân, trong là đông lang, đây là phần kiến trúc cổ duy nhất còn sót lại từ thuở ban sơ. Từ cổng chùa đi vào đến chính điện là hai hàng dừa thẳng tắp cùng cây cối bao quanh như ôm ấp lấy vẻ cổ kính, uy nghiêm của ngôi chùa đã hàng trăm năm tuổi.

Tại chùa Bửu Lâm, hiện nay ngoài bảo tháp chỉ còn có linh vị thờ ở hậu tổ là có liên quan đến vị tổ khai sơn (Tổ Thiện Châu – hòa thượng thuộc phái thiền Trúc Lâm – Yên Tử). Không chỉ là ngôi cổ tự có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời ngôi chùa còn là điểm dừng chân lý tưởng của các chư tăng, Phật tử từ khắp mọi nơi nhờ có không gian mát mẻ, không khí trong lành yên bình của miền quê.

Nếu có dịp ghé miền Tây trù phú, bạn hãy dành thời gian đi vãn cảnh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi chùa Đồng Tháp có bề dày lịch sử và niên đại hàng trăm năm. Nơi lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa tâm linh uy nghiêm, trang trọng của người dân nơi đây nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tác giả: Mai Nguyen

  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Bài Viết Liên Quan

Những câu chuyện xoay quanh 3 căn nhà cổ tại Đồng Tháp chưa chắc bạn đã biết
3 Thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp – không đơn thuần là những cái tên
7 món ngon miền Tây nhất định phải thưởng thức tại Đồng Tháp

Chuyên Mục: Tổng Hợp

Previous Post: « 7 món ngon miền Tây nhất định phải thưởng thức tại Đồng Tháp
Next Post: 3 Thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp – không đơn thuần là những cái tên »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Bài viết mới

  • Kinh nghiệm du lịch Bình Lập chi tiết khám phá thiên nhiên kỳ thú
  • 5 địa điểm du lịch Tết ở Phú Yên, đi một lần là nghiện
  • Tìm hiểu hình thức du lịch kết hợp detox giúp giảm cân, giải độc cơ thể
  • Du lịch Bình Thuận không nên bỏ qua những món ăn này
  • Du lịch tháng 11 nên đi đâu, lên kế hoạch cho chuyến đi cuối năm ngay hôm nay
  • Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Cửa Lò cho bạn thoải sức vui chơi
  • Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Thái Lan – Xứ xở chùa vàng
  • Tất tần tật những điều cần lưu ý khi đi du lịch dịp tết nguyên đán 2022
  • Top 8 địa điểm du lịch đẹp, nổi tiếng bạn nhất định phải đến tại Cù Lao Chàm
  • Du lịch Mai Châu: Cẩm nang kinh nghiệm du lịch mới nhất
  • Bỏ túi từ A – Z kinh nghiệm du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trung Quốc
  • Dùng ngay quần lót miễn giặt Swing tiện lợi an toàn cho các tín đồ mê du lịch
  • Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo cho người đi lần đầu
  • Phú Quốc bắt đầu mở cửa đón khách trở lại, những điều kiện cần khi đi du lịch
  • Điểm qua 10 địa điểm du lịch miễn phí cực hút khách tại Australia

Chuyên mục

  • Ẩm Thực
  • Blog
  • Cẩm Nang
  • Du Lịch
  • Đặc Sản
  • Địa Điểm
  • Giải Ngố
  • Thị Trường
  • Tổng Hợp
  • Toplist

Copyright © 2023 · Đất Sen Hồng - Nồng nàn hương sắc Việt