Đồng Tháp không chỉ có nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mà còn không ít những căn nhà cổ khác còn được lưu giữ đến ngày nay. Tại mỗi ngôi nhà cổ đều mang trên nó một câu chuyện riêng về sự nguồn gốc và tồn tại của con người, của căn nhà. Hãy cùng Đất Sen Hồng điểm qua 3 ngôi nhà cổ nổi bật và những câu chuyện xung quanh nó nhé!
Căn nhà cổ của em rể chủ tịch nước
Ngôi nhà cổ suýt soát 100 năm tuổi nằm nép mình trong một vườn xoài xanh lá bên con rạch nhỏ ở ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò. Ngôi nhà thuộc sở hữu của một gia tộc họ Nguyễn giàu có vùng này cho đến nay vẫn còn ít nhiều mang dáng dấp ban đầu của nó. Căn nhà được xây kiểu chữ Đinh tức là gồm một nhà ngang (nhà chính) và một nhà dọc (nhà phụ) liền nhau nhưng lại mô phỏng theo kiến trúc kết hợp Á – Âu. Tường nhà bằng gạch, cửa chính và hiên nhà hình vòm gờ nổi, hoa văn cũng như màu vàng mang nét đặc trưng như bao ngôi nhà khác ở Nam bộ những năm đầu thế kỷ 20.
Hiện nay, tổng thể ngôi nhà chỉ còn lại căn nhà ngang có hình dạng chữ nhật với bề ngang khoảng 30 mét, rộng khoảng 18 mét. Thoạt nhìn bên ngoài thì ngôi nhà vẫn còn nguyên những đường nét cổ kính nhưng thực ra thời gian đã làm cho bên trong hư hại không nhỏ. Nhất là mái ngói đã để lộ ra nhiều khe hở do nắng mưa bào mòn.
Theo lời của ông Nguyễn Kim Sơn, chủ nhân đời thứ tư của ngôi nhà này là thì đây chỉ là phần căn nhà lớn còn sót lại sau năm 1945. “Ông Nội tôi kể rằng, hai bên rạch Cái Sứt này hồi đó có nhiều ngôi nhà lực lưỡng lắm. Chớ đâu riêng gì ngôi nhà này. Nhà tôi lúc đó mất gần ba năm mới cất xong chớ đâu phải vài ba tháng như bây giờ. Vậy mà sau năm 1945, khi Tây trở lợi tái chiếm thì lớn nhỏ gì chúng cũng đốt sạch. Cốt là để ép Việt minh không còn chỗ bám trụ vào vùng đất này. Nhà tôi, sau khi chúng đốt một gian bên phải thì tiếp tục đốt luôn gian nhà lớn này. Nhưng không biết sao chỉ mới bắt lửa mấy tấm vách thì chúng bỏ đi. Nhờ các chú Việt Minh ẩn náu phía sau vườn xoài bò vô cứu chữa kịp nên mới còn nguyên như hôm nay”.
Vậy là đồ đạc trong nhà không bị cháy nhưng sao có cảm giác những đồ đạc trang trí trong hầu như là những đồ hàng mới sau này hết vậy anh? Chủ nhà lại nuối tiếc: “Có còn gì đâu. Mấy lần đi tản cư vì bom đạn là mấy lần bị trộm cắp. Tới cả cái bàn thờ mà chúng cũng dọn sạch thì thì thử hỏi thứ gì còn. May mà còn ít chén bát xưa với mấy cái độc bình, chôn giấu sau vườn nên sót lại đến giờ, gọi là chút của ông bà để lại”.
Khi hỏi đến chuyện người con dâu của gia đình là em gái của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, anh chủ nhà đem ra một quyển gia phả mới được lập chỉ cho tôi vanh vách về dòng họ mình. Thì ra, họ Nguyễn từ miền Bắc vào đây lập nghiệp tới anh đã được bảy đời. Con cháu gia đình này mỗi khi đến ngày Thanh minh tập hợp về không dưới trăm người.
Đầu tiên, ngôi nhà được ông Nguyễn Hữu Thuông (tức Cả Thuông) cất cho con là Nguyễn Hữu Quới dùng làm nơi ở thờ phượng gia tiên. Sau đó đến ông là Nguyễn Ý Trọng cai quản. Vợ ông Trọng chính là bà Tôn Thị Kiệm, (1892 – 1927) – em gái của chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bà Kiệm theo chồng về làm dâu họ Nguyễn ở đây chỉ được năm năm rồi mãn phần hạ sinh hai người con: một gái, một trai. Người con trai tên Nguyễn Long Hóa là cha của chủ nhân ngôi nhà hiện nay.
“Do bà nội tôi mất sớm và chiến tranh ngày một lan rộng nên ông Nội tôi rất ít dịp về quê vợ ở Mỹ Hòa Hưng. Nhưng theo lời cha tôi thì lúc bà nội về làm dâu gia đình này, cụ Tôn Đức Thắng có lui tới vài lần thăm em gái mình. Rồi sao đó cụ đi hoạt động cách mạng, không có trở về đây cho đến cuối đời. Bà nội tôi mất, chỉ có vài người ở Mỹ Hòa Hưng xuống đưa đám nhưng ba tôi không nói rõ là ai”.
Một phần do người trước ngại chuyện gia đình mình ít nhiều có quan hệ với một nhân vật “cộng sản” rất to ở miền Bắc nên không kể thêm gì cho con cháu. Một phần do làm lụng vất vả để mưu sinh nên anh Nguyễn Kim Sơn cũng không có thời gian tìm hiểu thêm về những gì có liên quan đến ngôi nhà mình đang kế thừa nên câu chuyện giữa tôi và anh cứ bị ngắt quãng.
“Hết chiến tranh rồi nghèo đói, mình giữ được căn nhà của tổ tiên để lại là quý rồi. Còn sửa chữa à? Muốn sửa chữa mà giữ nguyên hiện trạng như ban đầu thì ít nhất cũng mất cả tỷ bạc. Hiện thời gia đình chưa thể đủ sức kham nỗi nên đành nhìn ngôi nhà ngày càng xuống cấp theo thời gian”. Tôi thấu hiểu những nỗi niềm và khát khao của chủ nhân Nguyễn Kim Sơn trước ngôi nhà mà mình đang thụ hưởng.
Quay lại chuyện bà Tôn Thị Kiệm, anh Sơn cho biết: “Do bà Nội tôi mất sớm nên giữa việc qua lại giữa hai gia đình cũng hạn chế. Nhưng vẫn giữ được giềng mối dòng họ. Tháng 10 năm 1975, Chủ tịch Tôn Đức Thắng trở về thăm quê hương. Trong số những người thân được gặp ông trong 45 phút ngắn ngủi ở Mỹ Hòa Hưng có ông Nguyễn Long Hóa – tức ông nội tôi”. Năm 1976, chủ tịch Tôn Đức Thắng cho mời ông Nguyễn Long Hóa cùng với người em là Tôn Đức Nhung ra thăm nơi ở, nơi làm việc và thủ đô Hà Nội”.
Đã trăm năm đi qua với bốn thế hệ cháu con thay nhau gìn giữ, ngôi nhà cổ của em rể chủ tịch nước vẫn lặng lẽ nằm nép mình trong khuôn viên một khu vườn tiếp tục đảm nhận sứ mệnh là nơi cư trú cho lớp con cháu họ Nguyễn nơi đây. Lịch sử của ngôi nhà cổ này, dù nói gì đi nữa thì đây cũng là một lịch sử được nhận thức lại chớ không phải như là một lịch sử đã từng sống hay nói khác hơn, đây là một câu chuyện được kể lại một cách trung thành từ những nguồn tư liệu ít ỏi. Nhưng trên hết chính là tấm lòng mong ước muốn lưu giữ lâu hơn nữa những giá trị của tiền nhân để lại.
Nhà cổ Hương Cả Điểu
Nằm bên bờ rạch sông Sa ở phường 6 – thành phố Cao Lãnh, ngôi nhà cổ 95 năm tuổi này vẫn còn nguyên vẹn “hình hài” nguyên thủy của nó. Chủ nhân hiện nay của ngôi nhà này là ông Lê Hữu Hùng, một người đã gắn bó với nơi đây hơn nửa đời người, không giấu được tự hào khi nói về ông cố mình: “Ông cố tôi xuất thân từ nghèo khó, chắt chiu dành dụm lắm mới dựng được ngôi nhà này. Lớp hậu sinh chúng tôi luôn có ý thức gìn giữ tài sản vô giá này. Với chúng tôi, ngôi nhà là một phần đời sống tinh thần không có gì so sánh được. Cách đây mấy năm, anh em chúng tôi đã góp vào hơn 500 triệu để tu bổ lại những chỗ đã xuống cấp do thời gian tàn phá”.
Chủ nhân của ngôi nhà cổ là hương cả Điểu, tức ông Lê Hữu Điểu sinh năm 1864 mất năm 1942, một nông dân có ba đời từ miền Trung vào đây khẩn hoang lập nghiệp. Ông Điểu sinh thời sống bằng nghề làm mướn. Ai mướn gì thì làm đó. Nhưng với quyết tâm thoát nghèo và để lại sản nghiệp cho con cháu sau này, ông và vợ mình là bà Lê Thị Phưởng, một phụ nữ cũng nổi tiếng là đảm đang và tằn tiện đã tích lũy tiền bạc đã dựng nên một ngôi nhà bề thế trên phần đất của cha ông khai khẩn được.
Nhà khởi công từ năm 1922 và hoàn thành trong vòng 6 tháng. Chi phí cho việc cất nhà khoảng 4.500đ bạc Đông dương. Chỉ tính riêng phải lo ngày ba bữa cơm cho nhân công trong suốt thời gian xây cấy đã tốn hơn 30 giạ gạo. Lúc này, ông Lê Hữu Điền đã 58 tuổi. Sau khi ngôi nhà chính hoàn thành, ông Điểu còn cho cất thêm phía sau một cái nhà kho để chứa lúa. Thấy ông là người đức độ lại có hằng sản nên dân làng Tân Tịch cử ông là Đại hương cả nên ông được mọi người gọi là Hương cả Điểu từ đó.
Khi lên nhận chức Đại hương cả, ông Lê Hữu Điểu đã vận động bà con dựng lên ngôi đình Tân Tịch hoành tráng không thua những ngôi đình khác ở Cao Lãnh thời bấy giờ. Đình Tân Tịch được cất năm 1927 và hoàn thành vào năm 1928. Ngôi đình này vào ngày 19/12/2014, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định xếp hạng và cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh. Chuyện về ông Lê Hữu Điều cất đình Tân Tịch được ông Hồ Trần Hiệp ghi lại trong “Giai thoại về vùng cù lao Trâu” như sau:
Năm 1925, làng Tân Tịch lúc đó có ông Lê Hữu Điểu là đại hương cả, muốn ra tranh cử chức cai tổng, nhưng vì trong làng không còn đình. (Năm 1918, miễu thờ Tứ thánh nương nương Đại càn Quốc gia Nam Hải bị nước lũ cuốn bất ngờ, không kịp thỉnh sắc nên ban tế tự sợ rằng, kế tiếp là Đình Tân Tịch cũng sẽ bị đất lở nữa. Đúng như vậy, năm sau nước còn muốn nhiều hơn, nên ban tế tự họp lại quyết định thỉnh sắc gửi trên Đình An Nhơn.
Mùa nước năm đó cuốn cây đa nằm chắn gió phía ngoài đình tróc gốc ngã xuôi theo nước. Cây đa nầy lớn lắm, cả chục người ôm không xuể, đường hoành cỡ 20 thước, luôn 3 cây bằng lăng cỡ 4 người ôm mới giáp. Đình Tân Tịch cũng trôi luôn. Hiện nay, cây đa tróc gốc vẫn còn di tích ngay bến cũ, mặc dù đã chết gần trăm năm, những rễ nằm trên mặt đất còn lại cho tới bây giờ là khoảng một người ôm. Riêng 3 cây bằng lăng, bị tàu cào cá ở An Giang biết được nên mướn thợ lặn cắt phần cội, mỗi cây dài hơn 20 mét lấy mất, vào nằm 2000).
Ban Tế tự rước thầy Ba Đạt ở Sa Đéc lên kiếm cuộc đất tốt để cất đình mới. Thầy lựa được một cuộc đất rất tốt, đó là cái doi tại ngã ba cái rạch lớn, cách miệng vàm Long Sa chừng 700m. Cái rạch lớn nầy, từ vàm Long Sa đổ vô nước chảy thông thương, xa hơn một chút cũng có một cái gò khác cao hơn, nhưng cây cối um tùm không có người ở, có 2 cây dầu rái lớn khoảng 5, 6 chục mét, 1 cây lớn, 1 cây nhỏ.
Đất ngã ba nầy là phần ăn của ông Tô Văn Ảnh, nhưng ông Ảnh là dân lang bạt kỳ hồ, không biết ở đâu mà tìm, ông Điểu vì gấp nên quyết định cất đình lên cái gò phía trong, là đất làng. Muốn cất chỗ nầy, phải đốn nhiều cây cối, trong đó có 1 cây dầu cỡ 2 người ôm và 4, 5 cây gõ đỏ, tuy nhỏ hơn cây dầu nhưng vì gõ chậm lớn nên tuổi thọ chưa chắc nhỏ hơn mấy cây dầu. Đốn cây dọn dẹp trống trải rồi, bắt đầu xây dựng, thầy Ba Đạt lắc đầu ngao ngán nói với ban tế tự:
– Thiệt mấy ông gấp làm quá, cho tốn kém công sức tiền của, chớ cuộc đất nầy cất đình không được đâu.
Rồi ông buồn bã đi về Sa Đéc. Đình cất từ năm 1925 đến tháng tư năm 1928 mới hoàn thành. Đình quay mặt về hướng Đông, phía sau còn lại cây dầu lớn đứng sừng sững, tàng dù tròn vo vừa uy nghi, vừa đẹp vô cùng. Ngày khánh thành là ngày cúng Kỳ yên hạ điền năm Mậu Tí (1928) thì có sự cố.
Sau khi hát cúng hết con nước rằm tháng tư, thì 2 chiếc ghe chài ba của gánh ông bầu Luông ra không được vì nước kém, phải nằm lại tới cuối tháng sáu, làm gánh phải mướn ghe khác chở đồ, tốn kém hết sức. Vả lại ông đại hương cả lại thất cử cai tổng, nên quay trở về củng cố lại chức cũ, cũng không còn dám cãi lời thầy Ba Đạt, dời đình ra ngã ba, cây dầu cũng nhờ đó mà trống trải, quang đãng. Cây gõ cuối cùng lớn cỡ hơn một người ôm cũng bị trời đánh gãy đọt, nghiêng ra đường, làng bán cho thợ cưa làm ngựa gõ hay cho khá đông cư dân về cất nhà cửa, cho đến nay.
Nhà cổ của Hương cả Điểu có diện tích 15x17m dựng trên một nền đất được tôn cao khoảng 70cm bằng đá hộc. Nhà cất theo kiểu 3 gian 2 chái bát dần với những bộ cột tròn bằng căm xe có đường kính lớn nhất là 30cm. Tường nhà được xây bằng gạch vôi trộn ô dước. Nền nhà lót bằng gạch tàu. Ứng với ba gian nhà là ba cửa ra vào. Loại cửa này làm theo kiểu cửa lá sách của các ngôi nhà cất theo kiến trúc Đông Tây kết hợp đang là “model” thịnh hành lúc đó.
Trang trí nội thất trong nhà như bao lam, thành vọng, các bức hoành phi và bàn thờ gia tộc đều cẩn ốc xà cừ, sơn son thếp vàng và chạm trổ chim muông hoa lá tinh vi. Hầu như tất cả những vật dụng sinh hoạt của ngôi nhà này cho tới nay vẫn còn được con cháu gìn giữ nguyên vẹn. Trong những hiện vật đó, đáng chú ý là hai bộ ván gõ có diện tích 170cm x 240cm dày hơn 30cm dùng làm nơi dọn cỗ khi đám tiệc hoặc nơi khách đến nghỉ lại qua đêm.
Ngày nay, do con cháu đã có gia đình riêng nên ngôi nhà trở thành phủ thờ cho cả tộc họ. Điều quý giá nhất là so với nhiều ngôi nhà cổ khác là ngôi nhà của Hương cả Điểu không hề bị tàn phá qua hai cuộc chiến tranh. Chỉ có vài mảnh đạn thời Pháp sót lại trên những gốc cột. Hơn nữa, do con cháu ông luôn có ý thức phải gìn giữ tài sản của cha ông để lại nên ngôi nhà vẫn giữ được hình dáng và cách trang trí như hồi mới cất lên.
Ngoài lối kiến trúc phương Tây với những vật liệu như vôi, vữa, gạch, xi măng theo kiểu kiến trúc thời phục hưng ở Ý thì ngôi nhà vẫn mang đậm kiến trúc phương Đông. Đó là những hoa văn hình mũi neo, hình lượn sóng, những bài thơ cổ bằng chữ Hán, những bức bình phong che mưa nắng mang tính đặc trưng rất riêng biệt của người Nam bộ vùng sông nước. Nhưng hơn hết, ngôi nhà thật sự là công cụ giáo dục trực quan sinh động nhất cho con cháu họ Lê và mọi người xung quanh về tinh thần cần cù lao động, tích tiết kiệm, tích lũy để làm giàu cho gia đình và cho xã hội.
“Biệt thự” cổ của “tấn sĩ” Nguyễn Thành Giung
Sở dĩ chúng tôi gọi đây là “biệt thự” cổ vì ngôi nhà được xây theo kiểu Pháp do đích thân chủ nhân thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Thợ xây nhà ngoài một ít là thợ phụ và nhân công người địa phương thì số còn lại đều là những thợ lành nghề chuyên xây các dinh thự, biệt thự, công sở cho người Pháp đưa từ Sài Gòn về dưới sự chỉ huy thi công cũng là một người Pháp.
Chủ nhân ngôi biệt thự, người Sa Đéc thường gọi là “tấn sĩ” Giung tức là ông Tiến sĩ Nguyễn Thành Giung – một nhân vật có tài học rộng biết nhiều lúc bấy giờ. Theo Nhân vật chí Đồng Tháp thì Ông Nguyễn Thành Giung sinh năm 1894 tại làng Tân Hưng, Sa Đéc (nay thuộc phường IV, thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp). Ông nội là Nguyễn Văn Cư, người làng Tân Đông (Cái Bè cạn), nay thuộc xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, trước ông Cư có làm quan “Cựu Trào” nhận chức cai tổng lâu năm rồi được phong làm “huyện hàm”, sau về già có cất ngôi chùa gần nhà để tu tâm dưỡng tánh.
Cha ông Nguyễn Thành Giung là ông Nguyễn Thành Gia, làm Ban biện Phó tổng. Mẹ là bà Hồ Thị Lựu, giỏi về kinh doanh buôn bán. Vừa biết khai thác ruộng đất, vừa làm thương mại nên gia đình này là một trong những gia đình giàu có ở Sa Đéc.
Năm 1915, Nguyễn Thành Giung được sang Pháp du học tại Đại học Khoa học Marseille, tốt nghiệp trường này với văn bằng Tiến sĩ vạn vật học, xếp hạng ưu. Trở về nước ông Nguyễn Thành Giung giảng dạy bộ môn vạn vật học tại các trường Sư phạm Sài Gòn, Chasseloub laubat, Petrus Trương Vĩnh Ký, rồi làm Hiệu trưởng trường trung học Mỹ Tho.
Năm 1952 -1953 ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong nội các Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm. Có lúc ông kiêm luôn Phó Viện trưởng Viện đại học hỗn hợp Việt – Pháp tại Hà Nội và chi nhánh tại Sài Gòn. Ngày 14/10/1953 ông ký nghị định số 193-GD/NA ban hành một chương trình giáo dục mới “trên toàn cõi Việt Nam”.Thật ra chương trình giáo dục này cũng chỉ “sửa đổi lại chút ít chương trình cũ” tức chương trình Hoàng Xuân Hãn.
Cũng cần nhắc lại việc ra đời của chương trình Hoàng Xuân Hãn. Ngày 19/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, với chiêu bài trao trả độc lập cho Việt Nam; Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông Hoàng Xuân Hãn làm Bộ trưởng Bộ giáo dục và mỹ thuật. Để có một chương trình trung học hoàn toàn Việt Nam, một hội đồng soạn thảo được thành lập gồm các học giả, tri thức Việt Nam dạy học và làm việc tại Huế: Phạm Đình Ái (Lý, Hoá), Nguyễn Thúc Hào (Toán), Nguyễn Dương Đôn (Toán), Nguyễn Huy Bảo, Nguyễn Văn Hiền (Triết), Tạ Quang Bửu (Vật lý), Ưng Qủa (Pháp văn), Hà Thúc Chính (Anh văn), Ngô Đình Nhu (Sử, Địa) Hoài Thanh, Đào Duy Anh (Việt văn), Lê Văn Căn, Nguyễn Hữu Quán (Vạn vật).
Quay lại ngôi “biệt thự” cổ, qua những tài liệu và lời kể của những người Sa Đéc thì đây là một công trình kiến trúc “kiểu Tây” nhưng vẫn mang đậm yếu tố của phương Đông. “Biệt thự” xây trên một khu đất gò cao có diện tích khoảng 3.000m2 nằm cặp bên lộ làng Tân Hưng (nay là đường Trần Văn Voi – thành phố Sa Đéc) với thiết kế một lầu, một trệt. Phần trên cùng có 3 nóc, hai nóc hình bánh ú và một nóc hình thang cân có chung một cây đòn dông. Ngoài cây xà chính, phần mái còn có năm cây xà quan trọng khác tượng trưng cho: Càn, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mang tình trấn yếm.
Một yếu tố khác mang đậm tính phương Đông là vị trí “biệt thự”. “Biệt thự” xây theo hướng Đông Nam, trước có sông Sa Đéc, sau là ruộng vườn mênh mông, có lộ làng đi ngang và nằm bên cạnh chợ phù hợp với cách chọn đất cất nhà của người xưa: nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, tứ cận điền. “Biệt thự” cổ của “tấn sĩ” Giung mất gần 3 năm xây dựng và hoàn thành vào năm 1928. Không rõ kinh phí xây dựng là bao nhiêu nhưng đây là “phần thưởng” mà cha mẹ ông dành riêng cho con trai khi hoàn thành chương trình học bên Pháp với kết quả tối ưu. Người Sa Đéc xưa kể lại, hôm làm lễ tân gia “biệt thự”, tiến sĩ Nguyễn Thành Giung mở yến tiệc linh đình mời bà con, bạn bè gần xa và cả các “quan Tây” làm việc tại dinh Tham biện Sa Đéc tham dự.
Kiến trúc bên trong “biệt thự” cổ này cũng khá độc đáo. Biệt thự được chia làm ba gian mà mặt trước không đều nhau. Gian bìa phải nhô ra trước, gian giữa lùi ra sau và gian bìa trái lùi ra sau một chút nữa. Hai tầng đều các phòng với những chức năng khác nhau dành cho sinh hoạt gia đình như phòng ngủ, phòng thờ cúng, phòng ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh… Chúng tôi xin phép dừng lại mô tả tỉ mỉ kiến trúc căn “biệt thự” cũ này ở đây. Chỉ xin nói thêm, chỉ riêng kiến trúc của các cửa sổ, cửa ra vào, khuôn bông sắt cũng đã là một công trình nghệ thuật đáng được lưu giữ cho đời sau.
Do làm việc thường xuyên ở Mỹ Tho, Sài Gòn thậm chí có lúc ở Hà Nội nên ông Nguyễn Thanh Giung và gia đình chỉ sinh sống trong “biệt thự” này vào các kỳ nghỉ hè, các ngày lễ, Tết hay những khi ông có dịp đi công vụ các tỉnh gần Sa Đéc. Năm 1955, tiến sĩ Nguyễn Thành Giung nghỉ hưu. Ông mất năm 1959 ở Sài Gòn và được an táng ở nghĩa trang đất thánh Tây (Đa Kao) – Sài Gòn. Năm 1982, thi thể ông được hỏa táng và gởi sang Pháp cho vợ con. Là một người giàu có, có quyền lực và được học hành đàng hoàng nên tiến sĩ Giung cũng đã giáo dục 3 đứa con mình (02 trai, một gái) học hành đến nơi đến chốn. Tất cả đều sinh sống ở Pháp.
Sau năm 1975, toàn bộ con cháu ông Nguyễn Thành Giung sang Pháp định cư, ngôi “biệt thự” vắng chủ này được nhà nước quản lý cho đến nay. Lúc đầu là cơ sở nuôi dạy trẻ, rồi trại dưỡng lão thị xã Sa Đéc. Sau đó là trường tiểu học. Từ Năm 2000, nơi đây là nơi làm việc của Ủy ban Nhân dân phường 4 – thành phố Sa Đéc cho đến nay. Do để phù hợp với điều kiện làm việc của một cơ quan nhà nước nên Ủy ban Nhân dân phường 4 đã cất thêm bên trái một hội trường, bên phải một nhà giữ xe làm choáng mất không gian vốn có của một “biệt thự” tuy nhiên toàn bộ kiến trúc khác vẫn được địa phương thường xuyên trùng tu và bảo quản.
Khi hỏi về “biệt thự” này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Sa Đéc – ông Võ Thanh Tùng cho biết: Từ tháng 09/12/2009, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định xếp hạng nơi đây là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh thì thành phố Sa Đéc đã có ý thức tu bổ, gìn giữ và quản lý thật tốt “biệt thự” này. Việc “biệt thự” được dùng làm trụ sở Ủy ban Nhân dân phường hiện này là cách quản lý tối ưu nhất. Tuy nhiên, vừa qua Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã cấp kinh phí cho chúng tôi khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng dãy nhà công vụ phía sau ngôi “biệt thự”.
Sau khi công trình này hoàn thành, một số bộ phận chức năng lớn của phường sẽ di chuyển sang nơi đây để trả lại cho “biệt thự” vẻ đẹp của nó và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách tham quan. Gần trăm năm đi qua với bao thăng trầm của lịch sử nhưng “biệt thự” cổ của “tấn sĩ” Giung để lại vẫn còn nguyên dáng dấp bề thế, vững chãi và tỏa ra một sự hào hoa của một con người – một dòng họ đã từng ghi dấu ấn cho đất Sa Đéc những năm đầu thế kỷ XX.
Tác giả: Hữu Nhân